24/11/2024

COVID-19 đã đẩy 1,3 triệu người Việt Nam vào cảnh mất việc

COVID-19 đã đẩy 1,3 triệu người Việt Nam vào cảnh mất việc

Dịch COVID-19 đẩy 1,3 triệu người vào tình trạng không có việc làm trong năm 2020, đa phần người mất việc trong độ tuổi lao động. Riêng trong quý 4-2020 có khoảng 1,2 triệu người thất nghiệp, tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm trước.

 

COVID-19 đã đẩy 1,3 triệu người Việt Nam vào cảnh mất việc - Ảnh 1.

Họp báo công bố số liệu lao động, việc làm năm 2020 – Ảnh: B.N

Bà Vũ Thị Thu Thủy – cục trưởng Cục Thu nhập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê – cho biết con số trên tại cuộc họp báo tình hình lao động việc làm quý 4 và năm 2020 do Tổng cục thống kê tổ chức ngày 6-1 tại Hà Nội.

Hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng

“Mức giảm lao động có việc làm trong năm 2020 là điều chưa từng xảy ra trong suốt thập kỷ qua” – bà Thủy nhấn mạnh.

Số liệu của Tổ chức lao động quốc tế cho thấy đại dịch COVID-19 gây tổn thất khoảng 81 triệu việc làm trên thế giới trong năm 2020, thất nghiệp tăng từ 4,1% (năm 2019) lên mức 5,2 – 5,7% (năm 2020).

Theo bà Thủy, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế trong quý 4, tình hình lao động việc làm trong quý có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước. Tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý 4 và cả năm 2020 vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12-2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Con số này bao gồm người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

COVID-19 đã đẩy 1,3 triệu người Việt Nam vào cảnh mất việc - Ảnh 2.

Lao động trong ngành dệt may chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh – Ảnh: T.T

Khu vực dịch vụ ảnh hưởng nặng nề nhất

Xét theo khu vực kinh tế, bà Thủy cho biết khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng, tỉ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 26,4%.

Mặc dù số lao động có việc làm quý 4-2020 tăng mạnh so với 2 quý trước nhưng do sự giảm sâu trong quý 2 nên số lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019 (53,4 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với năm 2019, tương ứng 2,36%).

Biến động này hoàn toàn trái ngược xu hướng tăng việc làm hàng năm của giai đoạn 2010-2019, với số lao động có việc làm tăng trung bình khoảng 600.000 người.

“Mức giảm lao động có việc làm trong năm 2020 là điều chưa từng xảy ra trong suốt thập kỷ qua, theo đó 1,3 triệu người bị đẩy vào tình trạng không có việc làm, bao gồm 51,6% người là phụ nữ và đa phần đang trong độ tuổi lao động”, bà Thủy nhận định.

Trong đó, số người thất nghiệp trong quý 4-2020 gần 1,2 triệu người, tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ tước đi cơ hội có việc làm chính thức, đại dịch COVID-19 còn khiến họ rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Tính chung trong năm 2020, có 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 456.700 người so với năm 2019.

Cũng theo bà Thủy, nếu không có dịch COVID sẽ có thêm 1,6 triệu người được tạo việc làm, nói cách khác dịch bệnh tước đi cơ hội việc làm của 1,6 triệu người.

Thu nhập người lao động năm 2020 giảm 215 ngàn đồng/tháng

Tính chung trong năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động 5,5 triệu đồng/tháng, giảm 2,3% so với năm 2019.

Trong đó, thu nhập lao động ngành dịch vụ giảm sâu nhất, khoảng 215.000 đồng/tháng, tiếp đến ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 156.000 đồng/tháng, thu nhập lao động ngành công nghiệp và xây dựng giảm thấp nhất, khoảng 100.000 đồng/tháng.

BẢO NGỌC
TTO