Giúp người mất việc vì dịch Covid-19 học nghề miễn phí và tìm lại việc làm
Giúp người mất việc vì dịch Covid-19 học nghề miễn phí và tìm lại việc làm
Hàng ngàn bạn trẻ là công nhân, nhân viên bị mất việc hoặc người lao động tự do bị giảm thu nhập do dịch Covid-19, đã được đào tạo nghề miễn phí và tìm lại được việc làm trong thời gian qua.
Sáng nay 6.1, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Chương trình Hợp tác Việt – Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” đã tổ chức hội thảo “Đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” tại TP.HCM.
Học miễn phí, được hỗ trợ thêm chi phí
Có mặt tại hội thảo, ông Tào Bàng Huy, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết năm vừa qua dịch Covid-19 đã khiến 31,8 triệu lao động bị mất việc, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, lĩnh vực nghệ thuật, vui chời giải trí bị ảnh hưởng nặng nề nhất, 88,6%, kế đến là dịch vụ lưu trú và ăn uống 81,7%, vận tải kho bãi 79,7%, công nghiệp chế biến chế tạo 70,1% bán buôn bán lẻ-sửa chữ ô tô, mô tô, xe máy 68,5%, giáo dục đào tạo 68,5%… Số lượng lao động bị mất việc làm từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là hơn 1 triệu người.
Từ thực trạng trên, chương trình đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí cho người lao động đã kịp thời triển khai từ tháng 7.2020, đào tạo thí điểm cho người lao động mất việc.
Bà Phạm Việt Hà, Quản lý chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, thông tin: “Chương trình này hỗ trợ cho các đối tượng là lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ 15 tuổi trở lên, người thất nghiệp cần được đào tào nghề để tìm việc, lao động đang bị giảm giờ làm và có nguy cơ bị mất việc làm do dịch… Chúng tôi hợp tác với 10 trường CĐ trên cả nước để xây dựng và tuyển sinh, đào tạo ở các nghề như điện công nghiệp, điện gia dụng, lắp đặt điện, cắt gọt kim lọai, hàn và gia cố thép, công nghệ ô tô, cơ điện tử, xử lý nước thải, cơ khí xây dựng, chế biến và an toàn thực phẩm…. Thời gian đào tạo từ 4-8 tuần”.
Theo bà Hà, đến hết tháng 12.2020, đã có hơn 8.00 học viên hoàn thành các khóa học này và đã được nhận chứng chỉ. Được biết, người học không mất bất cứ chi phí nào, ngược lại còn được tiền ăn trưa, đồ giải khát khi học, hỗ trợ chi phí đi lại và lưu trú. Ngoài ra, khi nhận chứng chỉ còn được hỗ trợ thêm 100 euro (tương đương 2.700.000 đồng).
“Em đã tìm được việc làm”
Phạm Minh Hải trước đây là công nhân nhưng vì dịch Covid-19 nên vừa bị thất nghiệp. Sau khi học nghề lắp đặt – bảo trì bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải tại Trường CĐ Kỹ nghệ 2, Hải cho biết: “Nhờ trường giới thiệu em đã tìm được việc làm”. Hiện Hải là nhân viên Công ty môi trường và xử lý nước thải Phước Đông.
|
Thạch Thanh Sang (27 tuổi) trước đây học ngành công nghệ ô tô. Sau khi tốt nghiệp Sang về mở gara sửa chữa xe hơi ở nhà. Nhưng do dịch Covid-19 khiến công việc và thu nhập giảm hơn 50%. Sang đã được tham gia học nghề sơn và đã nhận chứng chỉ. Có mặt tại hội thảo, Sang chia sẻ: “Thời gian học của em là 21 ngày. Kết thúc khóa học em đã có thêm một kỹ năng nghề mà trước đó em chưa từng biết để có thể phát triển thêm công việc, hoặc nếu công việc ở gara tại nhà khó khăn quá em cũng có thể đi xin việc làm ở nơi khác”.
Thạc sĩ Nguyễn khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, cho hay trường cũng bắt đầu đào tạo cho người thất nghiệp vào đầu tháng 10, với 135 học viên ở các nghề cơ khí xây dựng, điện tử công nghiệp, cơ điện tử và cắt gọt kim loại CNC. “Hầu hết các em đều học chuyển đổi nghề để hy vọng kiếm được việc mới nếu như nghề cũ tạm thời khó khăn. Các em học tổng cộng 320 giờ trong vòng 8 tuần. Ngoài ra chúng tôi cũng cho các em thực tập thêm một tháng tại doanh nghiệp, sau đó cấp chứng chỉ sơ cấp nghề để có thể học tiếp lên trung cấp, CĐ. Đến nay thì 100% các học viên đã có được việc làm mới tại các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp”, thạc sĩ Cường thông tin thêm.
Theo dự báo của Cục Việc làm, dịch Covid-19 sẽ còn tác động lâu dài tới thị trường lao động, số lao động mất việc sẽ khoảng 30-40.000 người/tháng. Vi thế, chương trình đào tạo ngắn hạn sẽ tiếp tục được thực hiện nhưng sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng để nâng cao hiệu quả của chương trình đào tạo nghề cho người mất việc bởi dịch Covid-19 này, đối tượng tham gia khóa học nên được khoanh lại theo độ tuổi, trình độ học vấn để tăng khả năng tiếp thu và thực hành. Bên cạnh đó, các trường tham gia đào tạo sẽ đề xuất ngành nghề dựa trên thế mạnh của trường và nhu cầu của doanh nghiệp và tăng thời lượng đào tạo tương ứng với trình độ sơ cấp để đảm bảo cho học viên được tiếp cận kỹ năng nghề một cách đầy đủ, được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và thuận lợi hơn trong việc ứng tuyển tại doanh nghiệp. Việc phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo và kết nối việc làm cho học viên sau tốt nghiệp cũng là một yếu tố được nhấn mạnh.
MỸ QUYÊN
TNO