Câu chuyện giáo dục: Đừng ‘nấu cơm’, ‘dọn sẵn’ mỗi mùa thi !
Câu chuyện giáo dục: Đừng ‘nấu cơm’, ‘dọn sẵn’ mỗi mùa thi !
‘Giáo dục phải phát huy tối đa năng lực, phẩm chất người học’ là thông điệp ý nghĩa từ hội thảo đổi mới GD-ĐT vì mục tiêu phát triển bền vững tổ chức tại Đà Nẵng cuối năm 2020.
Đây cũng là định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông mà chúng ta đang theo đuổi. Nhưng thẳng thắn nhìn vào quá trình thực dạy và thực học hiện nay ở nhiều trường phổ thông mới thấy chúng ta còn một hành trình dài đầy gian nan phía trước để thực hiện điều này.
Một thực tế tồn tại trong giáo dục bao lâu nay là cách dạy và thi nặng về lý thuyết, chú trọng kiến thức và “gạo” bài theo kiểu học thuộc lòng. Học theo mẫu, làm theo mẫu là một trong những phương pháp dẫu cũ mòn nhưng vẫn được ưu ái sử dụng bởi thầy sợ trò “trật đường ray”, “sai lối mòn”…
Trước mỗi kỳ thi, học sinh cứ ê a học từng trang giấy A4 chi chít chữ đề cương ôn tập các môn học. Hàng chục câu hỏi với những vấn đề trọng tâm được soạn sẵn chi li từng đáp án buộc trò phải học, phải nhớ nếu muốn đạt điểm cao.
Khá nhiều thầy cô thường biện minh rằng để trò tự soạn sẽ thiếu sót nên soạn giúp trò từng gạch đầu dòng. Việc của học trò chỉ là học, học và học. “Nấu cơm”, “dọn sẵn” là câu chuyện khá phổ biến mỗi mùa thi ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Thay vì buộc trò phải tư duy, suy nghĩ, tổng kết và hệ thống hóa kiến thức cuối kỳ, thầy đã “ra tay” giúp trò. Thay vì hướng dẫn để trò liên hệ và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề, thầy đã chu toàn mọi thứ.
Phát huy năng lực và phẩm chất của người học – giấc mơ ấy hẳn còn xa vời nếu đề thi các môn vẫn cứ chăm chăm vào việc kiểm tra kiến thức và khả năng ghi nhớ của học sinh. Bao giờ những trang A4 đề cương ôn tập chi chít chữ còn tồn tại thì khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng tự học cùng vô số phẩm chất, năng lực sẽ còn bị thui chột.
Xin đừng “nấu cơm” và “dọn sẵn” mỗi mùa thi như thế!
NGUYỄN HÙNG
TNO