Thế giới ghi nhận hơn 80 triệu ca mắc COVID-19
Thế giới ghi nhận hơn 80 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang worldometers.info, tính đến 6h sáng 27-12, thế giới ghi nhận 80.653.441 ca mắc COVID-19. Trong lúc này, Canada cũng ghi nhận ca biến thể corona mới đến từ Anh.
Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca nhiễm hàng đầu với 125.228 ca mới trong ngày 26-12, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 19.382.507 ca, theo trang worldometers.info.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy Ấn Độ có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới với 10.169.118 ca và số ca tử vong cao thứ ba thế giới với 147.343 trường hợp. Brazil hiện có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới với 190.488 ca và số ca mắc bệnh cao thứ ba thế giới với 7.488.560 ca.
Các nước tiếp theo trong danh sách 10 nước ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất thế giới lần lượt là Nga (2.992.123 ca nhiễm, 53.539 ca tử vong), Pháp (2.607.688 ca nhiễm, 62.694 ca tử vong), Anh (2.262.715 ca nhiễm, 70.512 ca tử vong), Thổ Nhĩ Kỳ (2.133.373 ca nhiễm, 19.624 ca tử vong), Ý (2.038.759 ca nhiễm, 71.620 ca tử vong), Tây Ban Nha (1.854.951 ca nhiễm, 49.824 ca tử vong) và Đức (1.646.240 ca nhiễm, 29.666 ca tử vong).
Các quan chức y tế tại tỉnh Ontario (Canada) ngày 26-12 đã xác định hai trường hợp nhiễm biến thể B.1.1.7. Hai ca nhiễm mới là một cặp đôi sinh sống tại phía Nam Ontario, không có lịch sử đi lại trước đó, cũng như không phải những trường hợp có tiếp xúc với người bệnh hay có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cơ quan y tế tại đây đã xác định hai ca nhiễm này cùng ngày Ontario bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa.
“Điều nhấn mạnh người dân Ontario cần ở nhà nhiều nhất có thể, đồng thời tiếp tục tuân theo các hướng dẫn y tế công đồng, bao gồm các biện pháp phong tỏa toàn tỉnh bắt đầu từ hôm nay”, bác sĩ Barbara Yaffe – quan chức y tế đứng đầu tại Ontario, phát biểu hôm 26-12.
Vào tuần trước, Canada đã gia hạn lệnh cấm các chuyến bay đến từ Anh cho tới ngày 6-1-2021. Quốc gia này cũng gia tăng các biện pháp kiểm soát du khách đến từ Nam Phi vì thông tin một biến thể virus khác đang nổi lên ở đó.
Trong khi đó, một cụ bà 101 tuổi đã trở thành người đầu tiên tại Đức được tiêm vắc xin COVID-19 hôm 26-12. Cụ bà này được tiêm một ngày trước khi Đức bắt đầu chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.
Theo Hãng tin Reuters, cụ bà sống tại thị trấn Halberstadt, vùng cao nguyên Harz. Toàn bộ những người tại viện dưỡng lão nơi cụ bà sinh sống, 40 cụ già khác và 11 nhân viên y tế đều đã được tiêm chủng.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn trước đó cùng ngày cho biết các chuyến xe đang trên đường phân phối vắc xin COVID-19 đến các nhà dưỡng lão, những nơi đầu tiên nhận được vắc xin.
Chính phủ Đức đang lên kế hoạch phân phối hơn 1,3 triệu liều vắc xin cho các cơ quan y tế địa phương từ đây cho tới cuối năm sau. Berlin dự tính phân phối khoảng 700.000 liều/tuần từ tháng 1-2021.
Với dân số 83 triệu người, Đức đã lập hơn 400 trung tâm tiêm chủng, bao gồm các địa điểm như các sân bay và khu triển lãm thương mại.
Mọi người dân tại Đức đều sẽ có vắc xin COVID-19 và được miễn phí tiêm chủng từ giữa năm 2021, sau khi các nhóm ưu tiên được tiêm xong. Chính phủ Đức không bắt buộc người dân tiêm chủng.
Số ca nhiễm tại Đức đã lên tới 1.627.103, trong đó có hơn 29.000 người đã tử vong, theo Viện Robert Koch ngày 26-12.