Kỳ vọng gì vào chuyển đổi số trong giáo dục ?
Kỳ vọng gì vào chuyển đổi số trong giáo dục ?
Liên quan định hướng chuyển đổi số trong ngành giáo dục, dư luận đang trông chờ sự thay đổi bắt đầu có hiệu quả từ những cái nhỏ nhất như: điện tử hoá sổ liên lạc, sổ điểm, học bạ… trong mỗi nhà trường.
Điện tử hóa hồ sơ, sổ sách theo lộ trình
Theo Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học (có hiệu lực từ ngày 1.11.2020), một trong những thay đổi quan trọng là quy định về việc giảm gánh nặng về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên (GV). Ngoài việc giảm cơ học về số lượng hồ sơ, sổ sách của GV, quy định mới chính thức cho phép sử dụng hồ sơ điện tử.
Căn cứ vào thông tư này, một số địa phương đã tiến hành số hóa hồ sơ, sổ sách bằng những quy định cụ thể. Sở GD-ĐT TP.HCM mới đây cũng đã có hướng dẫn về việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay thế hồ sơ giấy. Theo đó, GV được khuyến khích chuẩn bị giáo án, ghi chép nội dung sinh hoạt, hoạt động, thực hiện các hồ sơ, sổ sách khác và lưu trữ trong máy tính, không phải in ra giấy.
Hoàn tất việc gắn mã định danh
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, lần đầu tiên, một cơ sở dữ liệu ngành được hình thành; theo đó, ngành giáo dục đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh cho hơn 53.000 cơ sở GD-ĐT, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu GV. Đồng thời, xây dựng và phát triển kho học liệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) với khoảng 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 200 đầu sách giáo khoa, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm và trên 7.500 luận án tiến sĩ. Dự kiến, trong thời gian tới, các cơ sở dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT sẽ được hoàn chỉnh đầy đủ phục vụ công tác phân tích, dự báo và ra chính sách quản lý ngành…
Dù vậy, nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT các địa phương vẫn cho rằng khi đã áp dụng hồ sơ điện tử thì nên có quy định thống nhất từ Bộ, vì hiện nay thông tư vẫn quy định chung chung là “thực hiện theo lộ trình”. Nếu quy định hồ sơ điện tử, nhưng cuối năm vẫn phải in ra thì không đúng tinh thần số hóa. Bộ cần hướng dẫn rõ loại hồ sơ, sổ sách nào cần in, loại nào không. Nền tảng công nghệ đến đâu thì có thể quản lý, kiểm tra mà không cần in ra nữa…
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), ví dụ với sổ điểm điện tử sẽ giúp GV trong việc quản lý, tính toán điểm, công thức để ra kết quả học tập, máy tính thực hiện, thay vì GV phải tự tính như trước. Khi có sổ điểm điện tử, có thể thực hiện các giao dịch thông tin qua các thiết bị điện tử mà không cần phải sử dụng bản giấy, đến tận nơi hoặc phải photo công chứng… Ở nhà, phụ huynh và học sinh vẫn có thể hoàn thành các thủ tục cần thiết một cách nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, số hóa giúp công khai minh bạch trong nội bộ của đơn vị, trong phạm vi quản lý ngành, giúp đẩy lùi các tiêu cực như “làm đẹp” điểm số.
Ông Hải cũng cho rằng hiện nay ngành đã đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử nhưng có nhiều mức độ. Đơn giản nhất là thay việc sử dụng các sổ theo mẫu giấy in thì các trường đã quản lý thông tin học sinh, điểm số… bằng phần mềm, và từ đó in hoặc xuất ra các định dạng như pdf để lưu trữ. Với sổ điểm điện tử sử dụng như dịch vụ công trực tuyến, ông Hải cho rằng để làm được điều này thì phải có cơ sở pháp lý về sổ điểm điện tử. Trong đó, có khâu rất quan trọng là chứng thực các nội dung trên sổ điểm điện tử đó là đúng, hợp pháp.
|
Hành lang pháp lý dạy học trực tuyến
Dự thảo Thông tư ban hành quản lý dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT xây dựng đã hết thời gian lấy ý kiến góp ý, hiện đang được Bộ hoàn thiện để ký ban hành.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết thông tư này ra đời sẽ là hành lang pháp lý cho việc dạy học trực tuyến. Dự thảo quy định có 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến. Thứ nhất là hình thức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp. GV có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp. Hình thức thứ hai là dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Tức là GV giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận, tương tác khi học sinh ở trường. Hình thức thứ ba là dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường do dịch bệnh hoặc thiên tai hoặc một điều kiện cụ thể nào đó.
Dự kiến sau khi được ban hành, Bộ sẽ đưa việc dạy học trực tuyến như một trong những nhiệm vụ thường xuyên của năm học.
Cần số hóa từ cái nhỏ nhất
Trong khi ngành GD-ĐT đang nói rất nhiều điều lớn lao về chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT, thì rất nhiều trường trên cả nước, kể cả ngay giữa thủ đô Hà Nội, hiện vẫn sử dụng sổ liên lạc điện tử bằng hình thức nhắn tin SMS đến phụ huynh và có thu tiền hằng tháng.
Nhiều phụ huynh cho rằng số hóa phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như sổ liên lạc điện tử giữa nhà trường và phụ huynh. Đã đến lúc cần liên lạc với phụ huynh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đã quá phát triển như hiện nay, thay vì liên lạc một chiều qua tin nhắn SMS. Hình thức này dù phải đóng phí trong khi lượng thông tin thu về rất ít ỏi, không có sự tương tác kịp thời giữa hai bên.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Sơn Hải cho rằng trong hướng dẫn đầu năm học về thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin của ngành GD-ĐT, Bộ đều có yêu cầu các trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để liên lạc với phụ huynh và khuyến khích sử dụng các hình thức như website, email, tin nhắn OTT… Đó là các hình thức liên lạc miễn phí và không khuyến khích các hình thức thu phí. “Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng lạm dụng hình thức liên lạc bằng tin nhắn để thu tiền. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến để có những chỉ đạo tiến tới chấm dứt tình trạng này”, ông Hải chia sẻ.
Khâu đột phá
Phát biểu tại cuộc hội thảo về chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT được tổ chức đầu tháng 12 vừa qua, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây của ngành GD-ĐT”.
Tuy nhiên, ông Nhạ nhìn nhận VN vẫn cần tổ chức lại hoạt động chuyển đổi số một cách bài bản hơn để nâng cao hiệu quả. Trước hết, cần có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để từng tập thể, cá nhân, mỗi GV, học sinh có thể tham gia và hoạt động hiệu quả. Trên nền tảng đó sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng kho tài nguyên học tập số, qua đó, công tác quản lý, hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy, chia sẻ tri thức trở nên hiệu quả, thiết thực.
Cũng tại hội thảo trên, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số GD-ĐT có lẽ là con đường đúng nhất và nhanh nhất để tạo ra sự đột phá trong ngành. Vì vậy, Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng vừa ban hành đã đặt chuyển đổi số giáo dục lên vị trí ưu tiên cao nhất. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ GD-ĐT và Bộ TT-TT cũng đã ký kết Chương trình hợp tác triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia.
TUỆ NGUYỄN
TNO