28/11/2024

Tràn ngập lao động ngoại ‘chui’ tại các thành phố du lịch

Tại nhiều địa phương có ngành du lịch phát triển như Đà Nẵng, Khánh Hoà và Phú Quốc, lao động nước ngoài hiện tràn ngập ở các khu nghỉ dưỡng, các công ty du lịch, cơ sở kinh doanh sản phẩm và dịch vụ du lịch.

 

Tràn ngập lao động ngoại ‘chui’ tại các thành phố du lịch

 

Tại nhiều địa phương có ngành du lịch phát triển như Đà Nẵng, Khánh Hoà và Phú Quốc, lao động nước ngoài hiện tràn ngập ở các khu nghỉ dưỡng, các công ty du lịch, cơ sở kinh doanh sản phẩm và dịch vụ du lịch.
 
 
 
Tràn ngập lao động ngoại chui tại các thành phố du lịch - Ảnh 1.

Khách du lịch nước ngoài đến TP Nha Trang (Khánh Hòa) tăng mạnh – Ảnh: THÁI THỊNH

Dù phần lớn là lao động “chui”, nhưng theo cơ quan chức năng các địa phương, việc kiểm tra và xử lý như “bắt cóc bỏ dĩa”, do những bất cập trong cơ chế kiểm tra và quản lý, sự thiếu hợp tác của các ngành chức năng và đặc biệt là các đơn vị kinh doanh du lịch.

Ra ngõ gặp lao động nước ngoài

Thời gian gần đây, chỉ cần rảo quanh đảo Phú Quốc và thành phố Hà Tiên (Kiên Giang), có thể dễ dàng bắt gặp người nước ngoài, chủ yếu là người Philippines và người gốc Phi. Bà Trần Kim C. – chủ một resort 3 sao ở xã Cửa Cạn (Phú Quốc) – cho biết lao động nước ngoài là nhu cầu mới phát sinh ở đây và resort này cũng không ngoại lệ.

“Một số du khách châu Âu khi đến nghỉ dưỡng tại resort này đã gợi ý nên thuê nhạc công người Philippines sang phục vụ, và tôi phải đáp ứng nhu cầu”, bà C. nói.

Sau đó, những nhạc công này giới thiệu thêm người quen, bạn bè sang Việt Nam làm việc. Mức lương trả cho lao động nước ngoài so với lao động trong nước chỉ nhỉnh hơn 100-200 USD/người/tháng. Bù lại, lao động nước ngoài tỏ ra kỷ luật và rất chuyên nghiệp, kỹ năng làm việc rất tốt.

“Hiện tại, gần như toàn bộ 100% nhân viên làm việc tại resort của tôi đều là người Philippines, chỉ giữ lại 1-2 nhân viên người Việt làm lễ tân, thu ngân…” – bà C. cho biết.

Theo ông Đặng Hồng Sơn – giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, hiện chưa thống kê số lao động du lịch nước ngoài tại Kiên Giang, nhưng lực lượng này có xu hướng tăng theo từng năm, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch.

Trong khi đó, tại một số địa phương có du lịch biển phát triển như Đà Nẵng, Khánh Hoà…, lao động nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc và Hàn Quốc, chuyên làm việc cho các công ty du lịch và các cơ sở kinh doanh đồ lưu niệm.

Chị N.T.M.T., giám đốc quản lý một công ty chuyên phục vụ tour cho khách Trung Quốc tại Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết công ty chị hiện đang thuê 3 người Trung Quốc (có hợp đồng lao động đóng bảo hiểm) làm nhiệm vụ quản lý các tour, cùng với hơn 30 lao động Trung Quốc khác được thuê làm việc theo dạng bảo lãnh.

Các doanh nghiệp du lịch tại Khánh Hòa tuyển những lao động nước ngoài vào làm việc “chui” xuất phát từ nhu cầu thực tế. Khách du lịch Trung Quốc, Nga đến Nha Trang ngày một đông, trong khi lại thiếu hụt lao động Việt Nam biết ngoại ngữ và đáp ứng được công việc.

Chị N.T.M.T. (giám đốc quản lý một công ty chuyên phục vụ tour cho khách Trung Quốc)

Theo lãnh đạo Sở Lao đồng – Thương binh và Xã hội Khánh Hoà, không chỉ làm công tác hướng dẫn hay phục vụ tại các điểm du lịch, nhiều lao động nước ngoài (chủ yếu được các doanh nghiệp bảo lãnh) cũng đang làm việc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực buôn bán hàng mỹ nghệ, đá quý, chăn gối… phục vụ khách du lịch.

Các cơ quan này cũng cho biết rất khó thống kê số lượng lao động nước ngoài tại địa phương, do phần lớn là lao động “chui”, lại không được các sở, ngành rà soát, đánh giá.

“Nhiều trường hợp lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện visa đã hết hiệu lực nhiều năm!”, một lãnh đạo Sở Lao đồng – Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Tràn ngập lao động ngoại chui tại các thành phố du lịch - Ảnh 3.

Các hoạt động giải trí ở khu du lịch Bà Nà Hill, Đà Nẵng hút khách hơn nhờ những vũ công xinh đẹp đến từ các nước biểu diễn – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Lao động ngoại chủ yếu làm “chui”

Theo báo cáo của Sở Lao đồng – Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức kiểm tra 25 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động về dịch vụ, du lịch trên địa bàn, phát hiện có 314 lao động người nước ngoài làm việc không phép.

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2018, khi kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ, các cơ quan chức năng phát hiện 185 người Trung Quốc làm việc không có giấy phép lao động. Sở đã lập biên bản và đang củng cố hồ sơ trục xuất các đối tượng này về nước.

Mới đây nhất, UBND TP Nha Trang đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH đầu tư Phong Nguyên (phường Lộc Thọ, Nha Trang) do ông La Khương Dư làm giám đốc, vì sử dụng lao động nước ngoài làm việc trái phép.

Đoàn liên ngành phát hiện tại nhà hàng Việt Nam Tứ Xuyên của công ty này có 5 người Trung Quốc đang làm việc. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 2 visa của 2 người Trung Quốc không có giấy phép lao động.

Theo Sở Lao đồng – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, những năm gần đây ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Đà Nẵng, trong đó nhiều trường hợp nhập cảnh sai với mục đích của visa.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, riêng lĩnh vực du lịch đã phát hiện 23 người nước ngoài (20 người Trung Quốc, 3 người Hàn Quốc) điều hành, hướng dẫn khách du lịch trái phép. Cơ quan chức năng đã phạt hành chính 20 trường hợp, hủy visa buộc xuất cảnh và đưa vào diện chưa cho nhập cảnh 11 trường hợp.

Một cán bộ Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng nguyên nhân khiến Đà Nẵng bùng phát tình trạng hướng dẫn viên (HDV) du lịch hoạt động trái phép là do thiếu HDV, nhất là trong các thị trường khách tăng trưởng nóng. Chẳng hạn với thị trường khách Hàn Quốc, Đà Nẵng hiện mới có 150 HDV tiếng Hàn được cấp thẻ, trong khi con số cần lên tới hơn 550 người.

“Trước mắt, giải pháp bù đắp sự thiếu hụt này là dùng HDV tiếng Anh thay thế. Tuy nhiên về lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu HDV phải bù đắp bằng cách phối hợp với trường ngoại ngữ có đào tạo tiếng Trung, tiếng Hàn để bổ sung vào lĩnh vực du lịch. Ngoài ra cũng kêu gọi lao động VN từng làm việc tại Hàn Quốc đủ điều kiện cấp bằng HDV để bù đắp thiếu hụt” – vị này nói.

Lúng túng xử lý

Bà Phan Thị Thúy Linh, giám đốc Sở Lao đồng – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, khẳng định có tình trạng một số cá nhân, tổ chức người nước ngoài đến với mục đích câu kết với người Việt để điều hành các tour du lịch, HDV hoạt động trái phép. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, còn lúng túng trong xử lý khi có sự cố xảy ra.

Theo bà Linh, nhằm tăng cường kiểm soát vấn đề lao động người nước ngoài hoạt động trái phép, UBND TP Đà Nẵng đã giao cho đơn vị chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tiến hành chấn chỉnh tình trạng này.

“Trước mắt đã có kế hoạch kiểm tra đối với 47 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch có sử dụng người lao động nước ngoài nhưng chưa đề nghị cấp giấy phép lao động. Trên cơ sở đó, sở sẽ đề xuất hướng xử lý đối với các trường hợp vi phạm” – bà Linh nói.

Một lãnh đạo đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tại Nha Trang hiện có rất nhiều lao động nước ngoài vào làm việc bằng con đường du lịch rồi ở lại làm việc không phép. Nhiều người nước ngoài có hộ chiếu du lịch ký hiệu LD, thăm thân nhân ký hiệu TT… đang tạm trú tại địa phương nghi vấn làm việc “chui” cho các đại lý du lịch.

Tuy nhiên theo quy định, cơ quan công an mới có quyền kiểm tra đột xuất lao động để xử lý đại lý này, còn thanh tra các sở ngành muốn kiểm tra phải có kế hoạch, phối hợp công an, báo cáo doanh nghiệp trước ba ngày nên không hiệu quả.

“Có trường hợp thanh tra sở vào kiểm tra các cửa hàng Trung Quốc còn bị bảo vệ cửa hàng này dọa đánh và không cho vào. Cơ chế kiểm tra, quản lý còn rối rắm nên rất khó cho các địa phương” – vị này chia sẻ.

Theo Sở Lao đồng – Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp mời, bảo lãnh lao động nước ngoài nhập cảnh vào VN để làm việc theo quy định của Luật xuất nhập cảnh, được Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp visa có thời hạn 12 tháng.

Theo quy định của Luật xuất nhập cảnh, trước khi mời, bảo lãnh, doanh nghiệp có trách nhiệm làm thủ tục với cơ quan quản lý chuyên ngành và phải xin phép trước khi mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Nhưng trong thực tế, nhiều doanh nghiệp mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam làm việc nhưng không thực hiện đúng các thủ tục.

Chẳng hạn, dù chưa xin phép UBND tỉnh chấp thuận và cũng chưa phối hợp với cơ quan chức năng quản lý nhà nước làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, các doanh nghiệp vẫn mời, bảo lãnh cho người lao động nước ngoài đến VN làm việc.

“Không rõ nguyên nhân nào mà vẫn được Cục Quản lý xuất nhập cảnh duyệt cho nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc cho các doanh nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý”, một lãnh đạo cơ quan này nói.

Ông Lê Quang Trung (phó cục trưởng Cục việc làm – Bộ Lao đồng – Thương binh và Xã hội ):

Chưa cho phép nhận lao động phổ thông nước ngoài

Việt Nam vẫn chưa có thoả thuận gì với các nước trong khu vực về việc cho phép lao động phổ thông đến Việt Nam làm việc. Theo Luật lao động Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật.

Các doanh nghiệp chỉ được tuyển lao động ngoài nước khi ở các vị trí này lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng theo Luật lao động, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu nước ngoài trước khi tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH vẫn có văn bản nhắc nhở, chỉ đạo, hướng dẫn sở LĐ-TB&XH các địa phương thanh tra, kiểm tra và thực hiện nghiêm các quy định về việc thuê lao động là người nước ngoài trên địa bàn.

Đ.BÌNH ghi