23/11/2024

Mưu đồ binh lực của Trung Quốc ở Biển Đông

Mưu đồ binh lực của Trung Quốc ở Biển Đông

Việc Trung Quốc có thể dùng tàu sân bay Sơn Đông án ngữ ở Biển Đông là dấu hiệu của mưu đồ thiết lập một thế trận binh lực tấn công ở khắp vùng biển này.
Lược đồ thế trận một số loại khí tài nổi bật về khả năng tấn công của Trung Quốc ở Biển Đông /// ĐỒ HỌA: HOÀNG ĐÌNH
Lược đồ thế trận một số loại khí tài nổi bật về khả năng tấn công của Trung Quốc ở Biển Đông ĐỒ HỌA: HOÀNG ĐÌNH
Đến hôm qua, Trung Quốc vẫn chưa công bố chi tiết hơn về địa điểm và nội dung tập trận của nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông ở Biển Đông. Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu thời báo trước đó đã dẫn một số nguồn tin quân sự từ Trung Quốc cho rằng nước này sẽ triển khai tàu sân bay Sơn Đông đồn trú tại căn cứ hải quân Du Lâm thuộc TP.Tam Á ở đảo Hải Nam.

Từ hạm đội tấn công kiểu Mỹ

Theo đó, tàu sân bay Sơn Đông, được biên chế cho Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc, sẽ có nhiệm vụ hoạt động ở Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh mới đây cũng cho thấy một ụ nổi, đủ sức phục vụ cho việc bảo trì tàu sân bay cỡ lớn như tàu Sơn Đông, đã được hoàn thiện ở căn cứ Du Lâm.
Không chỉ đồn trú tàu sân bay, nhiều dấu hiệu cũng cho thấy Trung Quốc có thể sẽ đồn trú cả tàu đổ bộ chở máy bay trực thăng loại Type-075 ở căn cứ Du Lâm. Hồi tháng 11, Bắc Kinh đã điều động tàu Type-075 đầu tiên tập trận ở Biển Đông. Chiến hạm này đang trong quá trình chạy thử và dự kiến sẽ được đồn trú ở căn cứ Du Lâm, theo tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn một số nguồn tin quân sự. Type-075 là tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng, nhưng có sàn tàu rộng và chiều dài khoảng 237 m. Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-31 phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho tàu Type-075. Khi hoàn thành kế hoạch này, Type-075 cũng có thể được vận hành như tàu sân bay, tương tự như cách Mỹ đã thực hiện với các tàu đổ bộ lớp Waps và lớp America.
Bên cạnh đó, cùng thuộc Chiến khu Nam bộ thì hải quân Trung Quốc còn có căn cứ Trạm Giang, cách không xa căn cứ Du Lâm và đều thuộc phía bắc Biển Đông. Căn cứ hải quân Trạm Giang là cảng nhà của tàu vận tải đổ bộ Côn Lôn Sơn thuộc loại Type-071. Tương tự tàu đổ bộ lớp San Antonio, tàu Type-071 cũng có thể chở theo khoảng 600 – 800 binh sĩ, cùng nhiều phương tiện khí tài như tàu đổ bộ đệm khí…
Như vậy, ở khu vực phía bắc Biển Đông, Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc đang hướng đến xây dựng lực lượng tấn công phối hợp gồm nhóm tác chiến tàu sân bay với tàu Sơn Đông, tàu đổ bộ tấn công Type-075, tàu vận tải đổ bộ Côn Lôn Sơn thuộc dòng Type-071.
Hồi tháng 3, Mỹ có cuộc tập trận phối hợp gồm nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, nhóm tác chiến viễn chinh của tàu đổ bộ tấn công USS America và cả tàu vận tải đổ bộ thuộc lớp San Antonio. Vì thế, khi so sánh thì có thể thấy lực lượng tàu chiến trên của Trung Quốc khá giống với mô hình hạm đội tấn công của Mỹ.

Đến binh lực tấn công hạt nhân

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã hoàn thiện triển khai hạ tầng cần thiết và thường xuyên điều động máy bay chiến đấu đến đồn trú ở các đảo, thực thể mà nước này chiếm đóng và quân sự hóa trái phép ở Biển Đông.
Cụ thể, tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và 3 bãi đá (Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi) thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đều triển khai các loại tên lửa đối không và tên lửa chống hạm. Bắc Kinh cũng thường xuyên điều động các loại máy bay tiêm kích J-10 và J-11, máy bay trinh sát hải quân KQ-200, oanh tạc cơ chiến lược H-6.
Liên quan các loại máy bay này, cuối tháng 7, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày cho hay nước này vừa triển khai chiến đấu cơ H-6G và H-6J tập trận ở khu vực Biển Đông. Đây là các phiên bản của dòng oanh tạc cơ H-6.
Trả lời Thanh Niên về diễn biến này khi đó, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho biết: “Máy bay H-6G và H-6J thuộc dòng H-6 đều là những oanh tạc cơ có thể mang tên lửa hành trình kết hợp radar cho phép xác định mục tiêu tàu chiến với độ chính xác cao. Ngoài ra, các dòng máy bay này còn có thể kết nối dữ liệu để các hệ thống phóng từ mặt đất khai hỏa tên lửa hành trình”.
Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: “Bắc Kinh từng tiết lộ, tên lửa chống hạm Đông Phong 21 (DF-21) sẽ có phiên bản được phóng từ máy bay chiến đấu dòng H-6. Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch này vào năm 2025 và tầm bắn của DF-21 lên đến 3.000 km. Khi đó, dù oanh tạc cơ H-6 khá cũ nhưng vẫn cung cấp cho Trung Quốc hỏa lực rất mạnh”.
Hồi tháng 8, Trung Quốc bất ngờ tập trận bắn thử tên lửa DF-21 và tên lửa Đông Phong 26 (DF-26) ra Biển Đông. Bên cạnh khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền, cả hai đều là tên lửa đạn đạo có khả năng chống tàu chiến nên được mệnh danh là “sát thủ diệt hạm”. Động thái này được giới chuyên gia đánh giá là nhằm gửi đi thông điệp rằng Bắc Kinh âm mưu dùng “sát thủ diệt hạm” kiểm soát Biển Đông.
Bên cạnh đó, cả DF-21 và DF-26 đều có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân. Chính vì thế, khi điều động dòng oanh tạc cơ H-6, có thể khai hỏa DF-21, thì đồng nghĩa với việc Trung Quốc dường như nuôi cả tham vọng xây dựng sức mạnh tấn công hạt nhân ở Biển Đông. Điều này có thể chủ đích hướng đến Mỹ, nhưng đồng thời cũng khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp.
Tàu khu trục Mỹ hoạt động tại Trường Sa
Hải quân Mỹ ngày 22.12 thông báo tàu khu trục USS John S.McCain có chuyến hải hành bảo vệ quyền tự do hàng hải tại quần đảo Trường Sa vào cùng ngày. Theo thông báo của hải quân Mỹ, toàn bộ tương tác của tàu McCain với lực lượng quân sự nước ngoài trong chuyến tuần tra đều phù hợp với quy tắc quốc tế. Thông báo nêu rằng lực lượng Mỹ thường xuyên phối hợp với các đồng minh và đối tác có chung cam kết duy trì trật tự quốc tế tự do và rộng mở, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tại khu vực.
Vi Trân
NGÔ MINH TRÍ
TNO