24/11/2024

Chạy đua mua vắcxin COVID-19

Chạy đua mua vắcxin COVID-19

Bên cạnh việc tìm kiếm các thỏa thuận vắcxin với các công ty lớn trên thế giới và chương trình vắcxin toàn cầu COVAX, các quốc gia Đông Nam Á đã và đang tham gia vào cuộc đua nóng nhất hiện nay là tự phát triển vắcxin COVID-19.

 

Chạy đua mua vắcxin COVID-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long công bố Singapore phê duyệt sử dụng vắcxin Hãng Pfizer/BioNTech trên truyền hình hôm 14-12 – Ảnh: Reuters

Không ngạc nhiên khi Indonesia là quốc gia đang “nôn nóng” nhất trong cuộc đua này vì nước này là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á và thứ 20 thế giới, với khoảng 658.000 ca COVID-19 và gần 20.000 người chết tính đến 19h ngày 19-12.

Vừa mua vừa tự phát triển

Indonesia đã đặt hàng 125,5 triệu liều vắcxin từ Sinovac (Trung Quốc), 30 triệu liều từ Novavax (Mỹ), tìm kiếm thêm 16 triệu liều vắcxin từ chương trình vắcxin toàn cầu COVAX, đàm phán 100 triệu liều với Pfizer (Mỹ) và AstraZeneca (Anh – Thụy Điển). Nước này dự kiến triển khai tiêm chủng vắcxin của Công ty Sinovac trong tháng 12.

Quốc gia vạn đảo cũng đang tự phát triển 57,6 triệu liều vắcxin Merah Putih. Ngoài ra, Sinovac sẽ chuyển 45 triệu liều vắcxin dưới dạng nguyên liệu thô tới nhà máy sản xuất vắcxin PT Bio Farma của Indonesia vào tháng 1-2021.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Philippines cấp phép sử dụng khẩn cấp các loại vắcxin với mục tiêu đạt ít nhất 50 triệu liều để chủng ngừa cho ¼ dân số trong năm 2021.

Philippines có thể bắt đầu chương trình tiêm chủng vào quý 1-2021 bằng vắcxin của Sinovac và vắcxin Sputnik của Nga, nếu được FDA cấp phép.

Đầu tháng 5-2021, AstraZeneca (Anh) sẽ phân phối 2,6 triệu liều vắcxin theo hợp đồng đã ký với các công ty địa phương. Philippines là vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á với 458.000 ca nhiễm và gần 9.000 người chết.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đầu tháng 12 cho biết nước này đang tìm mua vắcxin cho khoảng 70% dân số. COVAX sẽ giúp Malaysia có đủ vắcxin cho 10% dân số. Nước này cũng đang đàm phán với khoảng 10 công ty vắcxin khác đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3.

Theo đó, Pfizer sẽ phân phối 12,8 triệu liều cho Malaysia trong năm 2021. Thời gian triển khai tiêm chủng sẽ bắt đầu sau khi FDA Malaysia cấp phép.

Ngoài ra, Malaysia sẽ tiến hành thử nghiệm vắcxin COVID-19 đầu tiên ở nước này trong tháng 12, theo một phần thỏa thuận giữa chính phủ nước này với Trung Quốc.

Singapore đang có lợi thế hơn các nước Đông Nam Á khác trong cuộc đua này. Quốc đảo giàu có này đã đầu tư 750 triệu USD vào vắcxin COVID-19, nhắm đến các vắcxin của Moderna, Pfizer và Sinovac, cũng như hợp tác phát triển vắcxin COVID-19 với Công ty công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ).

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu vắcxin của Arcturus với Singapore cho đến nay cho thấy vắcxin này có thể hiệu quả chỉ với một liều duy nhất, theo báo Straits Times.

Cơ quan khoa học y tế Singapore đã cấp phép sử dụng cho vắcxin của Pfizer. Dự kiến lô vắcxin đầu tiên của Pfizer sẽ đến đảo quốc này vào cuối tháng 12, và đến quý 4-2021 Singapore sẽ có đủ vắcxin COVID-19 cho toàn bộ hơn 5 triệu dân.

Chính phủ Thái Lan có mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 50% dân số trong năm 2021. Nước này cũng có kế hoạch nhận 26 triệu liều vắcxin từ chương trình COVAX, 26 triệu liều từ AstraZeneca và 13 triệu liều từ các nguồn khác để cung cấp miễn dịch cho hơn 30 triệu người.

Không muốn chỉ dựa vào vắcxin của nước ngoài, Thái Lan cũng đang phát triển vắcxin sử dụng công nghệ mRNA của nước này. Dự kiến vắcxin này sẽ sẵn sàng để cung cấp cho người dân Thái Lan vào cuối năm 2021.

Theo thỏa thuận, AstraZeneca sẽ chuyển giao công nghệ cho Công ty Siam Bioscience của Thái Lan để sản xuất vắcxin tại các nhà máy của công ty này.

Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha cho biết dự kiến nước này sẽ phê chuẩn và sản xuất vắcxin theo công nghệ của AstraZeneca từ giữa năm 2021 và sẽ cung cấp vắcxin với “giá phải chăng” cho các nước Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam.

2 tỉ liều vắcxin cho nước nghèo

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 19-12 (giờ Việt Nam) cho biết WHO và các đối tác trong chương trình COVAX, bao gồm Liên minh Toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Liên minh vì đổi mới về chuẩn bị dịch (CEPI), thông báo đã tiếp cận được gần 2 tỉ liều vắcxin, đợt giao hàng đầu tiên dự kiến vào quý 1-2021.

Ông Tedros khẳng định WHO và các đối tác “đang làm việc không ngừng nghỉ để bắt đầu tiêm chủng vào đầu năm tới”, và 190 nền kinh tế sẽ bắt đầu nhận các liều vắcxin kể từ đầu năm 2021 trên cơ sở đảm bảo tiếp cận công bằng.

Hiện tại, các thỏa thuận vắcxin của COVAX bao gồm Công ty AstraZeneca, Công ty Johnson & Johnson (Mỹ) và Viện Huyết thanh Ấn Độ. WHO trước đó từng nói sẵn sàng đưa các vắcxin do Nga và Trung Quốc phát triển vào chương trình COVAX miễn chúng được chứng minh là hiệu quả và an toàn. Cho đến nay, chưa có vắcxin nào trong số này được cấp phép.

Ngoài ra, WHO cam kết đang đàm phán với Pfizer và Moderna – hai hãng có vắcxin được một số nước như Mỹ và Anh cấp phép sử dụng khẩn cấp.

WHO đặt mục tiêu phân phối ít nhất 2 tỉ liều vắcxin vào cuối năm 2021, đủ chủng ngừa cho khoảng 20% dân số dễ bị tổn thương ở các quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ Latin.

Ông Tedros nhấn mạnh COVAX là cơ chế thiết yếu để mua chung với mức giá thấp nhất có thể, và tất cả các thành viên đều có thể tiếp cận nhanh chóng và bình đẳng với tất cả các loại vắcxin đã được cấp phép.

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 17-12 thúc giục các nước giàu ủng hộ việc mua vắcxin cho các nước nghèo.

Ông Guterres cũng kêu gọi các nước giàu, đã mua hoặc đặt hàng vắcxin với số lượng nhiều hơn dân số nước mình, hãy quyên góp các liều dư ra cho COVAX.

Hãng tin Bloomberg đưa tin Việt Nam cũng đang phát triển các vắcxin của riêng mình cũng như tìm kiếm các thỏa thuận vắcxin với các hãng dược lớn tại Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga. Ngày 10-12, Việt Nam chính thức thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 “made in Vietnam” của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen trên người.

ANH THƯ
TTO