Chiếc túi gần 100 triệu đồng vẫn “hot”
Không chờ đến cuối tuần, trưa thứ tư của tuần đầu tháng 12, Vân hẹn 2 người bạn cùng đến cửa hàng của Chanel tại khách sạn REX (Q.1, TP.HCM) mua đồ. Ngoài nhóm Vân, trong cửa hàng
thời trang xa xỉ này có thêm 4 vị khách khác đang chăm chú xem những chiếc túi xách hiệu Chanel và liên tiếp bình luận, hỏi ý kiến những người đi cùng để chọn lựa. Vân rút thẻ thanh toán mua chiếc WOC (dạng ví có dây đeo dài) màu đen mới về với giá 64,27 triệu đồng. “Em đã đặt nhân viên cửa hàng từ đầu tháng 10. Khi nhận được tin nhắn báo hàng về, em tới ngay. Đây là mẫu sản phẩm “hot”, em đã từng dặn mấy “mối” quen chuyên order (đặt hàng nước ngoài) nhưng không có dù giá cao hơn, lên tận 68 triệu đồng”, Vân kể và hào hứng cho hay nhìn thấy chiếc túi này là thích rồi và quyết tâm có cho được dù phải chờ đợi lâu.
Các hãng thời trang cao cấp bắt đầu đẩy mạnh phân khúc sản phẩm với giá bán chỉ vài trăm đến vài ngàn đô, mục đích bán ra nhiều sản phẩm hơn cho phân khúc khách hàng tiêu dùng cận giàu đang có nhu cầu nhiều hơn
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn RBNC
Lan, một người bạn đi cùng Vân cũng “tậu” một túi C19 WOC màu tím với giá 80 triệu đồng chỉ vì nhìn màu “ngọt quá” dù không hề có ý định mua trước đó.
Tại một góc khác của khách sạn REX, trưa cùng ngày, trong cửa hàng Balenciaga – một thương hiệu thời trang xa xỉ thuộc loại hàng đầu
thế giới – một nữ khách hàng khoảng ngoài 40 tuổi, bước vào cửa hàng chưa đầy 10 phút, đã quyết định mua ngay 2 chiếc áo thun màu trắng và hồng trị giá gần 30 triệu đồng.
Công ty Savills Việt Nam mới thông tin đã tư vấn và tìm kiếm mặt bằng cho hai cửa hàng flagship (sản phẩm chủ chốt của nhà sản xuất – NV),
thương hiệu Louis Vuitton và Christian Dior tại tòa nhà International Centre (Hà Nội). Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, và bà Hoàng Diệu Trang, quản lý cao cấp bộ phận cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, cho biết bắt đầu quá trình nghiên cứu và tư vấn tìm kiếm mặt bằng cho hai cửa hàng này từ tháng 12.2018 cho tới tháng 4.2020. Tính tới thời điểm hiện tại, họ đã đạt thỏa thuận thuê mặt bằng hơn 1.000 m2 cho cửa hàng của thương hiệu Louis Vuitton và hơn 500 m
2 cho cửa hàng của Christian Dior. “Thị trường bán lẻ
hàng xa xỉ tại Việt Nam vẫn khá ổn định với nhu cầu nội địa được ghi nhận không sụt giảm quá nhiều, dù lượng khách
du lịch quốc tế có giảm. Các nhà bán lẻ vẫn giữ nhu cầu mạnh mẽ đối với các mặt bằng cao cấp, tại các vị trí đắc địa. Song đi kèm với đó là áp lực về giá thuê ngày càng tăng”, báo cáo của Savills nhận định.
Người Việt sở hữu sản phẩm hàng hiệu ngày càng nhiều ẢNH: ĐỘC LẬP
|
Chi cả tỉ USD cho hàng xa xỉ
Theo tính toán của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, dung lượng thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam đạt khoảng 974 triệu USD trong năm nay, giảm 6% so với năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu đến từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng sự hồi phục được dự báo sẽ diễn ra nhanh chóng, tăng trở lại hơn 17% trong năm tiếp theo. Statista tin rằng tăng trưởng kép hằng năm của Việt Nam sẽ đạt hơn 9% trong vòng 5 năm tới. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu bán hàng xa xỉ là đồ da cao cấp, gần 30%. Kế đến là hàng thời trang, chiếm hơn 25%; đồng hồ và trang sức chiếm 21% và khoảng 24% còn lại là nước hoa, mỹ phẩm và kính mắt.
Theo danh sách 100 thương hiệu hàng đầu
thế giới năm 2020 do Forbes công bố, có 6 thương hiệu thời trang xa xỉ bao gồm Louis Vuitton, Gucci, Hermès, Chanel, Cartier và Rolex. Trong đó, Louis Vuitton xếp hạng 9 với giá trị thương hiệu 47,2 tỉ USD. Chiếc túi xách đắt nhất của thương hiệu này từng được bán với giá hơn 3 tỉ đồng. Còn Gucci xếp hạng 31 với giá trị thương hiệu 22,6 tỉ USD, Hermès xếp hạng 32 với giá trị 21,6 tỉ USD, Chanel hạng 52 với giá trị 12,8 tỉ USD, Cartier hạng 56 với giá trị 12,2 tỉ USD và Rolex hạng 80 với giá trị 9,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, lại cho rằng thực tế dung lượng thị trường hàng xa xỉ Việt Nam lớn hơn con số khảo sát gần 1 tỉ USD rất nhiều. “Vì đối tượng khách hàng mua trực tiếp hàng xa xỉ tại Việt Nam thuộc nhóm khách hàng HENRY (High Earners Not Rich Yet – những người thu nhập cao nhưng chưa giàu) mà chúng tôi không gọi họ là trung lưu, là nhóm khách hàng cận giàu với mức thu nhập khoảng 75.000 – 100.000 USD/năm. Dự báo của chúng tôi đưa ra cách đây 3 năm là đến 2020, nhóm khách hàng HENRY chiếm 15% dân số Việt Nam. Ngoài số này, nhóm người thu nhập trên 100.000 USD mỗi năm, giàu và siêu giàu, mua hàng từ nước ngoài, hàng xa xỉ theo hình thức chuyển phát nhanh, “xách tay”… với lượng rất lớn. Số này sẽ khiến dung lượng thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam vượt con số tỉ USD”, ông Robert Trần phân tích.
Với tốc độ tăng trưởng và chiếc bánh thị trường hấp dẫn như trên, các thương hiệu xa xỉ cũng không muốn bỏ lỡ thị trường Việt Nam. Hiện nay, những tín đồ hàng hiệu ở Việt Nam không phải sang tận
Singapore, Hồng Kông, châu Âu hay Mỹ khi muốn sở hữu một món đồ nào đó bởi các thương hiệu đã đua nhau tới Việt Nam. Tòa nhà International Centre tại Hà Nội được phát triển từ năm 1995, hiện đã quy tụ nhiều thương hiệu xa xỉ như Prada, Hermès, Gucci, Patek Philippe, Cartier… Hay tại TP.HCM, những người giàu có thể dễ dàng tìm mua sản phẩm tại cửa hàng chính hãng Hermès, Louis Vuitton, Chanel, Burberry, Rolex… tại các trung tâm thương mại lớn hay ở những khách sạn 5 sao.
Đặc biệt, các hãng thời trang này không bao giờ giảm giá hay khuyến mãi. Hiếm hoi lắm mới có đơn vị đưa ra chương trình mua hàng sớm (ưu tiên mua trước ngay khi hàng mới ra mắt) dành cho thành viên. Thậm chí, có nhiều hãng luôn tăng giá sản phẩm mỗi năm. Giữa năm 2020, bất chấp dịch Covid-19 khiến nhiều cửa hàng đóng cửa thì nhiều sản phẩm Louis Vuitton đã tăng giá từ 5 – 10%. Nhưng điều đó cũng không làm chùn tay những tín đồ của thương hiệu này.
Tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng
Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường IPSOS thì chính Covid-19 làm người giàu tăng số tiền tiết kiệm vì họ không có nhiều cơ hội để chi tiêu; và người nghèo lại giảm bớt tiền tiết kiệm do không có việc làm, phải lấy tiền tiết kiệm ra chi tiêu. “Thế nên, đây cũng là một trong lý do đẩy tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng trong thời hậu Covid-19”, ông Robert Trần nói.
Ông Robert Trần cho rằng dự báo dung lượng thị trường hàng xa xỉ của Statista trong năm tới tăng 17% không có gì đáng ngạc nhiên. Đó là năm hậu Covid-19, các nền kinh tế bắt buộc phải khôi phục.
Nhu cầu mua sắm có thể thay đổi nhưng không phải vì vậy mà sụt giảm như trong đại dịch. Với đối tượng giàu và siêu giàu, sự xê dịch trong mua sắm hàng xa xỉ có thể thay đổi từ thương hiệu này sang thương hiệu khác chứ không phải vì nền kinh tế toàn cầu khó khăn hơn mà bỏ hẳn. Đặc biệt, các nhà
kinh doanh nhóm hàng xa xỉ Việt Nam cần chú ý nhóm khách hàng cận giàu, siêu giàu sẽ có sự thay đổi về địa lý mua sắm. Chẳng hạn, tăng mua hàng hiệu trong nước thay vì đi du lịch, công tác mới mua. Trong đại dịch, một số hãng thời trang thế giới đã chuyển hướng bớt phụ thuộc vào du khách mà tái kết nối với khách hàng địa phương và họ đã thành công, giữ vững được doanh số. “Đây chắc chắn sẽ là phân khúc khách hàng tiềm năng trong thời gian tới. Đó là nguyên nhân nhiều hãng thời trang cao cấp thế giới gần đây có chiến lược đánh mạnh vào nhu cầu của những HENRY thay vì chỉ sản xuất các dòng sản phẩm có giá lên tới hàng chục nghìn USD. Các hãng thời trang cao cấp bắt đầu đẩy mạnh phân khúc sản phẩm với giá bán chỉ vài trăm đến vài ngàn đô, mục đích bán ra nhiều sản phẩm hơn cho phân khúc khách hàng tiêu dùng cận giàu đang có nhu cầu nhiều hơn”, ông Robert Trần phân tích.