28/11/2024

Đừng để học sinh có hành vi viết, vẽ bậy

Thói xấu viết và vẽ bậy của một số bộ phận người Việt bị xã hội lên án thời gian qua phải thấy một phần trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh từ nhà trường phổ thông.

 

Đừng để học sinh có hành vi viết, vẽ bậy

Thói xấu viết và vẽ bậy của một số bộ phận người Việt bị xã hội lên án thời gian qua phải thấy một phần trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh từ nhà trường phổ thông.
 
 
 

 
Nếu chịu khó quan sát sẽ thấy thói xấu này diễn ra nhiều nơi, từ không gian trường học phổ thông cho đến giảng đường đại học: các bảng thông báo, ghế đá, gốc cây, đến tường phòng học, mặt bàn… đều bị viết, vẽ bậy bằng nhiều câu chữ thô tục, nhiều hình ảnh phản cảm. Các chân dung minh hoạ trong sách giáo khoa cũng bị các học sinh nghịch ngợm vẽ thêm râu, thêm tóc. Nhiều em đem việc đó ra để mua vui với chúng bạn. Ngay cả trên Facebook, nhiều người cũng tỏ ra thích thú tán dương.
 
Nhiều giáo viên rất khó chịu trước tình trạng này khi coi thi ở các trường khác. Họ đưa ra nhận xét rằng: “Muốn đánh giá học sinh ngoan hay không, hãy nhìn lên mặt bàn chỗ họ ngồi, phòng học mà lớp họ trang trí”. Điều này rất đúng.
 
Thực trạng viết, vẽ bậy ở nhà trường là thế, nhưng sự quan tâm của nhà trường về điều này chưa đúng mức, chưa thấy được hệ lụy lâu dài về sau của nó. Đa số nội quy của nhà trường đều đưa việc này vào điều cấm, nhưng không được kiểm tra thường xuyên và cách xử lý thiếu quyết liệt. Học sinh thiếu sự răn đe để uốn nắn, nhà trường thiếu những biện pháp tuyên truyền tích cực. Chỉ thị cấm viết, vẽ vào sách giáo khoa vừa qua của Bộ GD-ĐT chỉ là giải pháp “chữa cháy” cho việc “khát” sách giáo khoa, chứ chưa chú trọng đến giáo dục ý thức, đạo đức cho học sinh về việc này.
 
“Gieo thói quen sẽ gặt hành vi…”. Một học sinh hay viết bậy trên ghế nhà trường sẽ dễ trở thành một công dân hay vẽ bậy ở ngoài xã hội.
 
 
TRẦN NHÂN TRUNG