Người Thái tung tiền mua doanh nghiệp Việt bất chấp Covid-19
Người Thái tung tiền mua doanh nghiệp Việt bất chấp Covid-19
Dù không có nhiều thương vụ lớn như các năm trước nhưng doanh nghiệp Thái vẫn âm thầm rót vốn mua lại các công ty Việt Nam.
TCG Solutions Pte.Ltd vừa thông báo đăng ký mua hơn 12 triệu cổ phiếu SVI của Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua hệ thống chuyển quyền sở hữu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam từ ngày 16 – 31.12. Số cổ phần SVI mà TCG Solutions muốn mua chiếm 94,11% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Bao bì Biên Hòa. Hiện tại TCG không sở hữu cổ phiếu SVI nào. Nếu tính theo thị giá 87.000 đồng/cổ phiếu SVI, tổng giá trị thương vụ lên hơn 1.000 tỉ đồng.
TCG Solutions Pte.Ltd là công ty con thuộc Tập đoàn Siam Cement (SCG) của tỉ phú người Thái Kan Trakulhoon. Trước đó, Nghị quyết mới nhất của Bao bì Biên Hòa cho thấy Hội đồng quản trị cùng ban giám đốc cũ đã đồng loạt từ nhiệm. Thay vào đó là nhân sự đến từ nhà đầu tư Thái, gồm ông Suchai Korprasertsri – Giám đốc điều hành TCG – được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bao bì Biên Hòa; ông Ekarach Sinnarong – Tổng giám đốc Công ty công nghiệp Tân Á, thành viên SCG tại Việt Nam – được bổ nhiệm là Tổng giám đốc, kiêm đại diện pháp luật của Bao bì Biên Hòa từ 2020 – 2023.
Thực tế, động tác đăng ký mua hơn 12 triệu cổ phiếu nêu trên chỉ là thủ tục bởi từ tháng 4, nhà đầu tư Thái là Tập đoàn Siam Cement đã tuyên bố mua lại Bao bì Biên Hòa. Sau đó, các cổ đông lớn của SVI đã đồng loạt thoái vốn thông qua giao dịch thỏa thuận. Công ty Bao bì Biên Hòa là đơn vị cung cấp bao bì carton cho nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam trong các ngành bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… Tập đoàn SGC cũng nắm lượng lớn cổ phần tại nhiều doanh nghiệp ngành nhựa gia dụng, bao bì như Nhựa và hóa chất TPC Vina, Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Vật liệu nhựa Minh Thái, Vật liệu xây dựng Việt Nam…
Trước đó vào tháng 4, Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát chính thức thông báo đã sáp nhập vào Tập đoàn Stark của Thái Lan. Stark cũng mua lại Công ty cổ phần Kim loại màu và Nhựa Đồng Việt (Dovina) do ông chủ Thịnh Phát thành lập. Theo thông tin từ Stark, tập đoàn Thái Lan mua lại 100% vốn hai công ty trên với mức giá không quá 240 triệu USD, tương đương 5.600 tỉ đồng. Điều này đưa công ty cáp điện hàng đầu trên thị trường Việt Nam trở thành công ty con của người Thái. Với việc thông qua thương vụ này, Stark kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất dây cáp điện lớn hàng đầu khu vực.
Đó chỉ là hai trong nhiều thương vụ doanh nghiệp Thái thâu tóm thành công những công ty đầu ngành trong các lĩnh vực tại Việt Nam. Trước đó, nhiều thương vụ lớn có thể kể đến như Tập đoàn Central Group chi 1,14 tỉ USD mua lại Big C Việt Nam vào tháng 4.2016; Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) – một đơn vị thuộc TCC Holdings – của tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi năm 2013 mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart và năm 2014 mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu euro (khoảng 880 triệu USD). Hay lớn nhất cho đến thời điểm hiện nay là thương vụ tỉ phú Charoen chi gần 5 tỉ USD để mua lại 53,59% vốn tại Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào cuối năm 2017. Sabeco là doanh nghiệp chiếm hơn 40% thị phần tiêu thụ bia tại thị trường nội địa…
MAI PHƯƠNG
TNO