Lớp 11 học gì về kinh tế?
Ra Chợ Lớn phỏng vấn tiểu thương, vào vườn rau hỏi thăm nông dân là khảo sát thực tế của hơn 130 học sinh lớp 11, Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TP.HCM) suốt một tháng qua.
Lớp 11 học gì về kinh tế?
Ra Chợ Lớn phỏng vấn tiểu thương, vào vườn rau hỏi thăm nông dân là khảo sát thực tế của hơn 130 học sinh lớp 11, Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TP.HCM) suốt một tháng qua.
Với đề bài ‘Giải cứu nông sản’, mỗi nhóm học sinh chọn một loại nông sản đang khó tiêu thụ trên thị trường, nghiên cứu nguyên nhân, hậu quả và đề xuất hướng giải quyết tình trạng dư thừa, rớt giá.
“Dự án là cơ hội để mỗi thành viên ngẫm lại vì sao nền nông nghiệp nước ta có bề dày lịch sử vẫn chậm phát triển, hệ quả của việc chạy theo nhu cầu ảo của thị trường. Đề tài nghiên cứu này cũng là bước tiến tốt để học sinh như em tiến gần sản phẩm Việt để biết trân trọng hơn”.
Học sinh Phan Phương Anh
Từ cà chua đến chuối ế
Bước vào nông trại Cánh Cam (quận 2, TP.HCM), nhóm nghiên cứu Tomato xin phép phỏng vấn chủ vườn và tham quan mô hình nông nghiệp tự động trong nhà kính. Đi tìm giải pháp cho cà chua Việt, nhóm Tomato không chỉ tìm hiểu tổng quan về kinh tế nông nghiệp mà còn đi vào cụ thể đặc tính nghề làm vườn.
Sau 20 phút nghe thuyết trình, nhóm có hình dung cơ bản về quy trình gieo trồng, chăm sóc các loại rau củ quả bằng phương pháp thủy canh lẫn thổ canh.
“Làm nông kỹ thuật cao có dễ dàng hơn cách làm truyền thống không ạ?” – Phạm Nguyễn Cát Tường, trưởng nhóm Tomato, bắt chuyện. Chủ vườn trả lời: “Nghề nông luôn cực, phải tỉ mỉ từ khâu chăm bón đến tính toán đầu ra, nghiên cứu trồng cây gì có giá trị kinh tế cao, thế mạnh của vườn mình.
Trồng trong nhà kính không phụ thuộc mùa, có thể trồng quanh năm, tưới nước, làm mát tự động hoặc hẹn giờ. Dù áp dụng kỹ thuật cao, cây vẫn có thể mắc bệnh chết gần trăm gốc cà chua như đợt vừa qua, tuy nhiên ở đây không lo giải cứu”.
Chọn mặt hàng chuối, học sinh Nguyễn Hà My thực hiện khảo sát tại Bến Thành, Chợ Lớn cho biết nhóm gặp không ít khó khăn khi phỏng vấn người bán lẫn người mua, phải kiên trì thuyết phục.
My kể lại: “Các cô chú tâm sự có thời điểm giá rẻ như cho mà bán vẫn không được, phải đại hạ giá. Qua nhiều lần thực tế, nhóm không chỉ tìm hiểu thêm về các đợt giải cứu mà còn học hỏi cách xử lý nguồn hàng linh hoạt từ tiểu thương.
Đáng tiếc nhóm chưa có điều kiện đi các vườn chuối để hỏi nông dân, bù lại nhóm phải tham khảo các bài phân tích trên báo chí, website kinh tế”.
Phản biện độc đáo
Trước khi đưa học sinh ra đường, giáo viên phụ trách dự án đã chuẩn bị kiến thức và gợi mở một số hướng đi thông qua nhiều buổi phân tích tại trường, lắng nghe chuyên gia khởi nghiệp, người từng tham gia giải cứu nông sản chia sẻ.
Gạn lọc một số nội dung từ môn lịch sử và giáo dục công dân, cô Dương Thị Ngọc Linh và thầy Nguyễn Đức Trí thiết kế dự án diễn ra trong 6 tuần.
“Ở độ tuổi này, học sinh đã có thể đưa ra những câu hỏi mang tính phản biện và độc đáo – cô Linh chia sẻ – Các em hỏi vì sao nông dân qua nhiều năm đều biết sẽ dư thừa mà vẫn sản xuất? Nhà quản lý đã làm gì giúp người dân giải quyết tình trạng này?
Vì sao chỉ một số mặt hàng nông sản bị khủng hoảng, một số khác lại không? Một số em còn đề xuất thương hiệu riêng cho nông sản, nâng cao chất lượng nông sản sạch nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, không lệ thuộc vào thị trường duy nhất”.