24/11/2024

Khốn khổ vì dự án “treo”

Khốn khổ vì dự án “treo”

Xây cầu, mở đường…, những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nằm bất động trong quy hoạch hàng thập kỷ kéo theo loạt hệ lụy cho đời sống người dân tại TP.HCM.
Tương lai có một cây cầu thay thế phà Cát Lái vẫn còn mờ mịt /// Ảnh: Ngọc Dương
Tương lai có một cây cầu thay thế phà Cát Lái vẫn còn mờ mịt  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Dự án “vắt” qua 3 nhiệm kỳ vẫn trên giấy

Thiếu vốn, vướng mặt bằng, mắc cơ chế…, đủ các lý do khiến chậm trễ, đội vốn đã trở thành điệp khúc quen thuộc của ngành giao thông TP.HCM. Điểm tên những dự án nằm lưu cữu trên giấy hàng thập kỷ, không thể không nhắc đến dự án mở rộng QL13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước. Được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002, sau 18 năm, tổng mức đầu tư dự án đã đội lên gấp đôi nhưng đường vẫn chưa mở rộng, cầu Bình Triệu phải gánh một lượng phương tiện khổng lồ, biến QL13 trở thành nút cổ chai, ùn tắc kinh hoàng. Giai đoạn 2018 – 2020, tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ của TP diễn ra ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đạt đến ngưỡng kinh khủng, việc mở rộng QL13 liên tục được đưa vào danh sách dự án cấp bách cần nhanh chóng triển khai trong các kế hoạch của ngành giao thông TP nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.

“Mọi vấn đề cần giải quyết tận gốc. Muốn tất cả hệ lụy này không diễn ra thì dự án cần triển khai sát tiến độ. Muốn sát tiến độ thì quan trọng nhất hiện nay là giải bài toán nguồn vốn cho các dự án vì ngân sách TP không thể kham nổi khối lượng hạ tầng cần đầu tư. Phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, thông thoáng để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia góp sức. Song song, cần rà soát lại quy hoạch, những dự án nào không thật sự cần thiết thì xóa khỏi quy hoạch, thông báo ngưng triển khai để tránh những cơn sốt đất ảo”.

 PGS-TS Nguyễn Minh Hòa

Trong khi phía đông, cầu Bình Triệu mòn mỏi chờ đường thì ở phía nam, cầu Cần Giờ nối từ trung tâm TP.HCM sang huyện đảo Cần Giờ được kỳ vọng xóa điểm nghẽn giao thông, thúc đẩy kinh tế, thay đổi diện mạo cho cả huyện đảo nhưng bao năm qua vẫn ì ạch chưa thể khởi công. Cụ thể, dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ được phê duyệt năm 2004, khởi động vào cuối năm 2007 với tổng kinh phí đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 8.470 tỉ đồng. Sau gần 10 năm chỉ dừng ở bước chuẩn bị, cuối tháng 9.2015, Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ đề xuất xây cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh hiện tại để kết nối giao thông thuận tiện từ trung tâm của TP. Tuy nhiên, vị trí xây cầu mà nhà đầu tư đề xuất lại không nằm trong quy hoạch giao thông nên TP phải chờ lấy ý kiến các sở, ngành rồi trình Thủ tướng xem xét. Gần 2 năm sau, ngày 9.5.2017, Văn phòng Chính phủ mới chính thức có văn bản đồng ý cho TP.HCM xây dựng cầu Cần Giờ cùng 2 công trình khác.

Từ đó đến nay, những thông tin như UBND TP mới duyệt nhiệm vụ thiết kế tổ chức tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ – TP.HCM”, đã duyệt thiết kế cầu Cần Giờ… liên tục được đưa ra, dấy lên hy vọng cây cầu mơ ước bao năm sắp thành hình, rồi lại để người dân hụt hẫng vì gần 3 năm trôi qua, cầu Cần Giờ vẫn chưa hẹn ngày khởi công.
Tương tự, cầu Cát Lái nối Q.2 (TP.HCM) với H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) thay thế phà Cát Lái hiện hữu cũng là một trong những công trình được rất nhiều người dân mong ngóng. Phương án xây cầu Cát Lái đã được Thủ tướng đồng ý giao TP.HCM triển khai đầu tư, nhưng sau đó tỉnh Đồng Nai được giao chủ trì kêu gọi đầu tư và đến nay vẫn còn trong giai đoạn khởi động. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến cầu Cát Lái khởi công trong năm 2020 có chiều dài 3.782 m, tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng, nhưng một nguồn tin của Thanh Niên cho biết hiện đã gần hết năm, dự án vẫn chưa xác định được hình thức đầu tư, tương lai còn “mờ mịt” hơn cả cầu Cần Giờ.

Quay cuồng trong “cơn sốt” đất

Không chỉ trở thành điểm nghẽn lớn gây ùn tắc giao thông, các dự án “thập thò” hàng thập kỷ không thể triển khai còn kéo theo những “cơn sốt” đất khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Đơn cử, giai đoạn 2017, trong khi Thủ tướng còn chưa có quyết định phê duyệt dự án, thông tin phà Bình Khánh sắp có cầu thay thế đã châm ngòi cho “cơn sốt” đất nền bùng nổ tại huyện đảo Cần Giờ. Chỉ trong 3 tháng, giá đất mặt tiền đường Rừng Sác, xã Bình Khánh tăng “chóng mặt” gấp gần 10 lần. Người đi biển bỏ biển để đi buôn đất; chợ cá, tôm cũng biến thành sàn giao dịch bất động sản (BĐS)… Không chỉ đẩy giá đất lên cao, “cơn sốt” đất còn khiến cuộc sống người dân nơi đây quay cuồng, đảo lộn. Từ đó đến nay, sau mỗi lần thông tin dự án chuẩn bị khởi công được “bơm” ra thị trường, giá BĐS lại tăng gấp đôi và hiện đã ở mức ngất ngưởng, trong khi cây cầu chưa biết khi nào mới được xây dựng.
Đồng cảnh ngộ, tại tỉnh Đồng Nai, thông tin quy hoạch, đầu tư hạ tầng dù mới chỉ là ý tưởng nhưng đã bị giới đầu tư nắm bắt đẩy giá đất Nhơn Trạch lên cao, tạo ra làn sóng “sốt đất” liên tục từ năm 1996 đến nay. Đặc biệt, năm 2014, thông tin dự án sân bay quốc tế Long Thành được thông qua chủ trương đầu tư chưa kịp hạ nhiệt, năm 2016 TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái đã tạo nên cuộc đẩy giá “ngoạn mục” cho BĐS khu vực này.
Ông Dominic Vũ, một chuyên gia thị trường BĐS, cho biết năm 2018, khi có tỉnh Đồng Nai họp với TP.HCM bàn việc làm cầu Cát Lái, lập tức các thông tin lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Thời điểm đó, giá BĐS ở Nhơn Trạch tăng chóng mặt, mà tâm điểm là dự án Swan Bay của CFLD. Dự án này trước đây của Tập đoàn Vinacapital đầu tư. Sau nhiều năm loay hoay triển khai, dự án đã xây dựng được khá nhiều nhưng bán ít người mua và những căn nhà bán cho khách hàng gần như bỏ hoang không có ai ở. Đến khi CFLD mua lại, cộng với thông tin đồn thổi về việc cầu Cát Lái được xây dựng, giá BĐS tăng phi mã. Cụ thể, giá căn hộ chủ đầu tư bán khoảng 36 triệu đồng/m2, nhà phố vườn khoảng 27 triệu đồng/m2, shophouse khoảng 33 triệu đồng/m2 và dinh thự khoảng 25 triệu đồng/m2.
“Nhiều nhà đầu tư mua lướt sóng ở đây giờ lỗ nặng, chết chìm. Có người “ôm” vài chục lô giờ ngậm đắng nuốt cay không bán ra được, cũng không có ai thuê”, ông Dominic Vũ thông tin.

Càng để lâu, càng “tắc”

Nhà đầu tư, khách hàng nhẹ dạ cả tin bị “sập bẫy” bởi các tin đồn, ngay cả các nhà đầu tư lớn, nhà nước cũng thiệt hại nặng nề vì dự án chậm tiến độ.
Theo lời một doanh nghiệp (DN) BĐS đang có chủ trương xin xây dựng cầu Cát Lái, công ty ông có quỹ đất ở Nhơn Trạch nay muốn xin làm cầu theo hướng “đổi tiền sử dụng đất lấy cầu”, nghĩa là thay vì DN đóng tiền sử dụng đất cho nhà nước, ông sẽ lấy tiền đó xây cầu. Tuy nhiên, ý tưởng này khó thực hiện khi mà giá đất sau nhiều “cơn sốt” đã cao ngất ngưởng khiến chi phí đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án quá cao, DN khó mà kham nổi. “Chúng tôi đã tính phương án, làm cây cầu này vốn đầu tư phải hơn 7.000 tỉ đồng. Mình DN khó mà làm nổi, nhà nước chắc cũng “ngán” vì ngân sách hạn hẹp. Trong khi đó, hiện nay đã có tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Nhơn Trạch và nhu cầu vốn các công trình cấp bách khác cũng đang rất thiếu”, vị này cho hay.
Dự án mở rộng QL13 được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002, khi đó chi phí giải phóng mặt bằng chỉ mất khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Sau 18 năm, tổng mức đầu tư dự án này hiện đã lên tới 9.992 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng đội lên 8.176 tỉ đồng.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, nhận định không thể tránh được việc thông tin các dự án liên tục được nhắc lại vì hạ tầng giao thông tại TP.HCM có rất nhiều lý do để chậm trễ. Các dự án còn khó khăn sẽ liên tục phải “hâm nóng” để các đơn vị liên quan sốt sắng, tìm cách tháo gỡ vướng mắc, nhanh chóng thực hiện. Do đó, tình trạng dự án chậm trễ dẫn đến biến động thị trường BĐS, bất ổn xã hội là điều rất khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, dự án sau khi tái khởi động sẽ phải thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo giá thị trường, dẫn đến đội vốn, dự án càng rơi vào bế tắc.
HÀ MAI – ĐÌNH SƠN
TNO