24/11/2024

Israel và Morocco bình thường hoá quan hệ nhờ trung gian của Mỹ

Israel và Morocco bình thường hoá quan hệ nhờ trung gian của Mỹ

Morocco trở thành quốc gia Ả Rập thứ 4 bình thường hoá quan hệ với Israel trong vòng 4 tháng qua, tiếp tục nhờ sự trung gian của Mỹ.

 

Israel và Morocco bình thường hóa quan hệ nhờ trung gian của Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào tháng 9-2020 – Ảnh: AFP

Trước đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan cũng đạt thỏa thuận với Israel, trong nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tạo liên minh chống Iran.

“Một bước đột phá lịch sử khác ngày hôm nay! Hai người bạn tuyệt vời của chúng ta là Israel và Vương quốc Morocco đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ – một bước đột phá to lớn cho hòa bình ở Trung Đông”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter ngày 10-12.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mô tả dấu mốc “hòa bình lịch sử” này cho thấy mối quan hệ ở khu vực Trung Đông đang ấm lên. Ông cũng cam kết sẽ lập đường bay trực tiếp giữa hai nước.

Ai Cập và UAE đã ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận giữa Israel và Morocco.

Cùng lúc, ông Trump cho biết đã ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Morocco đối với khu vực Tây Sahara, điều chưa từng có quốc gia phương Tây nào làm.

“Đề xuất về quyền tự trị nghiêm túc, đáng tin cậy và thực tế của Morocco là cơ sở duy nhất cho một giải pháp công bằng và lâu dài cho hòa bình và thịnh vượng! Morocco công nhận Mỹ vào năm 1777. Vì thế, việc chúng tôi công nhận chủ quyền của họ đối với Tây Sahara là quyết định phù hợp”, tổng thống Mỹ cho biết.

Morocco và Mặt trận Polisario đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Tây Sahara, vốn là thuộc địa cũ của Tây Ban Nha ở Bắc Phi với dân số hơn nửa triệu người và diện tích 226.000km2. Gần đây, Mặt trận Polisario – vốn chiếm 1/3 dân số và kiểm soát 20% diện tích – đã khởi động lại tranh chấp, buộc Liên Hiệp Quốc phải triển khai Phái bộ gìn giữ hòa bình MINURSO để giám sát ngừng bắn và tổ chức trưng cầu ý dân về vùng lãnh thổ này.

Ngay sau đó, Liên Hiệp Quốc cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres không thay đổi quan điểm về khu vực tranh chấp nói trên và tin tưởng  rằng chỉ có thể có giải pháp cho khu vực dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

TRẦN PHƯƠNG
TTO