Bài toán phân phối vắc xin Covid-19
Bài toán phân phối vắc xin Covid-19
Món hàng công cộng
Vắc xin được coi là “ánh sáng cuối đường hầm” của thế giới trong cuộc khủng hoảng Covid-19, đến nay đã khiến hơn 67 triệu người trên toàn cầu bị nhiễm, trong đó hơn 1,5 triệu người tử vong. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin đang là vấn đề nhiều bên lo ngại. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Liên Hiệp Quốc về đại dịch diễn ra hôm qua 8.12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố không thể chấp nhận việc nước nghèo bị nước giàu “giẫm đạp” để giành quyền ưu tiên sở hữu vắc xin, theo AFP. “Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu và giải pháp phải được chia sẻ bình đẳng như món hàng công cộng toàn cầu”, ông Ghebreyesus phát biểu. WHO cho rằng việc xem vắc xin Covid-19 như món hàng riêng sẽ gây gia tăng bất bình đẳng và khiến một số nhóm người bị bỏ lại phía sau
Hôm qua, truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Donald Trump chuẩn bị ký lệnh hành pháp, quy định chính phủ ưu tiên cung cấp vắc xin cho toàn bộ người dân Mỹ trước khi hỗ trợ các nước khác. Giới chức y tế Mỹ dự đoán sẽ có đủ vắc xin để chủng ngừa cho tất cả những người có nhu cầu đến cuối quý 2/2021, bác bỏ thông tin trên tờ The New York Times cho rằng chính phủ đã từ chối mua thêm vắc xin của Pfizer và đánh mất quyền này vào tay các nước khác.
Danh sách ưu tiên
Cũng trong hôm qua, Anh bắt đầu chương trình tiêm chủng lịch sử chống lại đại dịch Covid-19. Xếp đầu trong danh sách ưu tiên là người sống trong viện dưỡng lão và nhân viên chăm sóc, kế đến là người từ 80 tuổi trở lên và nhân viên y tế tuyến đầu. Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus nhận xét việc thành lập thứ tự ưu tiên tiêm chủng là “quyết định không hề dễ dàng”. Mỗi nước có nguyên tắc riêng trong việc lập danh sách nhưng theo hướng dẫn của WHO, các nhân viên y tế đối diện nguy cơ lây nhiễm cao và những người cao tuổi dễ gặp nguy hiểm tính mạng nếu nhiễm Covid-19 nên được ưu tiên tiêm chủng để giảm sức ép lên hệ thống y tế. Kế đó là những người có bệnh nền và gặp nguy cơ cao nếu nhiễm Covid-19.
Tại Mỹ, danh sách ưu tiên sẽ do chính quyền tiểu bang quyết định nhưng hầu hết đều tuân theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Theo đó, nhân viên y tế và người sống trong các viện dưỡng lão sẽ được tiêm chủng trước tiên. Đến cuối năm, giới chức y tế ước tính sẽ có 20 triệu người được tiêm chủng và thêm 100 triệu người nữa đến giữa tháng 3.2021, theo AFP.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa quyết định ai sẽ nằm trong nhóm 100 triệu người trên. Ngay cả giới chuyên gia y tế Mỹ cũng đang nảy sinh những bất đồng về vấn đề này. Bà Deborah Birx, thành viên tổ chuyên trách chống Covid-19 của Nhà Trắng, cho rằng những người có bệnh nền và dễ gặp nguy cơ cao nếu nhiễm Covid-19 nên được xếp vào danh sách nói trên. Tuy nhiên, các chuyên gia cố vấn cho CDC đề xuất nên ưu tiên cho 87 triệu người lao động trong những ngành nghề thiết yếu như giáo dục, thực phẩm, hành pháp và vận tải.
Phong tỏa California
Hôm qua, đợt phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt nhất có hiệu lực ở bang California (Mỹ), kéo dài ít nhất 3 tuần. Theo đó, người dân được yêu cầu ở nhà, trừ việc tới trường học và các ngành thiết yếu không thể làm từ xa. Việc đeo khẩu trang và giãn cách là bắt buộc. Nhà hàng chỉ được phục vụ bán mang đi. Phạm vi phong tỏa sẽ tiếp tục mở rộng và kéo dài ở bất kỳ khu vực mà khả năng đáp ứng giường ICU xuống dưới 15%. Quy định mới được đưa ra khi số ca nhiễm Covid-19 tại bang này tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt số ca cần hồi sức tích cực đang ở mức báo động.
Tuyết Lan
VI TRÂN
TNO