Nhà nông ‘tiền mất tật mang’ vì phân bón giả
Nhân Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật trồng trọt (sáng 9-11), trong đó có quy định về quản lý phân bón, bạn đọc Tú Nguyên – nhà nông ở tỉnh Long An – có bài viết về thiệt hại từ phân bón giả.
Nhà nông ‘tiền mất tật mang’ vì phân bón giả
Nhân Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật trồng trọt (sáng 9-11), trong đó có quy định về quản lý phân bón, bạn đọc Tú Nguyên – nhà nông ở tỉnh Long An – có bài viết về thiệt hại từ phân bón giả.
5 công ruộng nhà anh T. (Cần Đước, Long An) sau khi bón phân lúa tàn lụi dần. Nghi mua nhầm phân giả, anh T. phải làm đất, sạ lần thứ 2 – Ảnh: TÚ NGUYÊN
Tuổi Trẻ giới thiệu cùng bạn đọc.
Phân bón thật giả lẫn lộn, làm sao nhà nông có thể “né” phân giả? Không có chuyên môn khoa học kỹ thuật, các trang thiết bị kiểm nghiệm cũng không, việc phân biệt phân bón với người nông dân khó như mò kim đáy biển, với tay bắt lấy sao trời!
Những con số biết nói
Những người sản xuất phân bón giả đánh vào tâm lý hám lợi của các đại lý phân phối nhỏ và nông dân canh tác nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa.
ĐBSCL có 1,6 triệu ha đất canh tác thì đã có tới 1,3 triệu ha canh tác nhỏ lẻ. Họ dùng những chiêu bán giá rẻ, bán thiếu tới cuối vụ, khuyến mãi với nhiều hình thức (tặng quà, tặng cả những chuyến du lịch khi mua nhiều).
Nông dân sử dụng nhầm phân bón kém chất lượng có khi mất trắng cả một mùa vụ. Hậu quả còn nghiêm trọng hơn là đất đai hoang hóa, làm giảm chất lượng, sụt giảm năng suất, giảm giá trị cây trái, gây thiệt hại cho nền kinh tế nông nghiệp.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý trên 3.000 vụ phân bón giả kém chất lượng.
Hằng năm cục đã kiểm tra hàng ngàn hộ kinh doanh phân bón, với hàng trăm hộ vi phạm. Kiểm nghiệm hàng ngàn mẫu phân bón, khoảng 31% mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Những con số thống kê đã phản ánh một con số đau lòng: 1/3 phân bón nông dân tiêu dùng hằng năm là phân giả, kém chất lượng.
Bao nhiêu phân đó đã hoang phí biết bao mồ hôi của người nông dân đổ xuống ruộng; bao nhiêu đó là biết bao gia đình phải nghèo thêm, biết bao diện tích đất đai phải cằn cỗi thêm!
Ai kiểm soát phân bón giả?
Kỳ họp trước đã có đại biểu nói: “Tôi đi đến đâu cũng nghe nói về phân bón giả”.
Có rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo đặt vấn đề quản lý, chặn đứng nạn làm phân bón giả. Nhưng phải cụ thể như thế nào?
Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27-1-2013 có quy định nhiệm vụ quản lý sản xuất phân bón thuộc về ngành công thương và ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành công thương quản lý phân vô cơ, phân hữu cơ thuộc về ngành nông nghiệp.
Hai ngành vẫn cứ than phiền những khó khăn cục bộ khi kiểm tra, xử lý phân bón giả. Và người nông dân phải “khổ dài dài”.
Tôi kiến nghị: hai ngành công thương và nông nghiệp nên ngồi lại với nhau, tích cực bàn giải pháp. Chuyện phân giả, kém chất lượng đã xảy ra từ hơn 10 năm nay. Tôi có cố gắng theo dõi nhưng chưa nghe thấy sự phối hợp kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực này.
Địa phương tôi cũng có nhiều cuộc hội thảo tập huấn cho nông dân nhận biết phân giả, kém chất lượng, nhưng thực chất công việc này chỉ là những hoạt động chiếu lệ, mang tính hành chính cơ quan, không mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhà nông vẫn thường phản ánh nỗi khổ vì phân bón giả với chính quyền hoặc trong các cuộc họp HĐND các cấp. Phản ánh vậy nhưng xử lý không đến đâu vì chính quyền và HĐND cũng không thể kiểm tra, kết luận phân bón đạt chất lượng hay chưa.
Còn có thực tế khác: hầu hết người làm lúa thường mua phân bón theo kiểu “ký sổ”, mua trước trả sau, hết mùa mới thanh toán tiền, lỡ có mua phân, bón phân rồi lúa héo rũ cũng không dám lên tiếng, không dám chỉ ra nơi nào bán phân “dỏm”.
Họ chỉ có thể âm thầm chờ mùa sau mua phân ở cửa hàng khác với hi vọng phân tốt hơn.
Thiết nghĩ ngoài việc siết chặt việc sản xuất, xử phạt nặng các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng để răn đe ngăn ngừa trong tương lai; hai ngành công thương và nông nghiệp cần sớm ngồi lại với nhau thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, thường xuyên thanh tra kiểm tra từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn nhỏ cho tới các đại lý nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa mới có thể hạn chế thấp nhất hiện tượng phân giả, kém chất lượng, góp phần vào việc xây dựng thành công nông thôn mới.
Người nông dân đang chờ lắm thay!
Tôi chỉ có thể nghi là bón lầm phân giả thôi chứ không có bằng chứng nào cụ thể.
Đem tiền rải xuống ruộng, ngồi chờ kết quả, thấy cây trái héo úa, người nông dân mới phát hiện phân bón giả thì đã muộn màng, tiền đã mất, “tật” lại mang!