Mua hàng online ‘ngày độc thân’
Các sàn thương mại điện tử tiếp tục đua nhau đầu tư cho mùa lễ hội mua sắm đến đông đảo người tiêu dùng hơn, vì đây chính là đòn bẩy để thu hút người dùng trải nghiệm mua sắm online dịp cuối năm.
Mua hàng online ‘ngày độc thân’
Các sàn thương mại điện tử tiếp tục đua nhau đầu tư cho mùa lễ hội mua sắm đến đông đảo người tiêu dùng hơn, vì đây chính là đòn bẩy để thu hút người dùng trải nghiệm mua sắm online dịp cuối năm.
Trong mùa giảm giá nhân “ngày độc thân” (11-11) năm ngoái, doanh số bán hàng của các trang thương mại điện tử (TMĐT) ở VN đã tăng đột biến 245% so với 4 tuần trước đó, theo công ty chuyên về quảng cáo trực tuyến Criteo.
Với hình thức giảm giá duy nhất một ngày, người mua sẽ có trọn từ 0h đến 24h chạy đua mua sắm cả ngày cho “ngày độc thân”. Và theo dự báo, doanh số bán hàng của các sàn TMĐT năm nay sẽ tiếp tục tăng mạnh vào dịp này.
“Sale đạp sàn”
Nhìn vào hoạt động quảng bá, bán hàng trên thị trường sẽ dễ thấy các trang TMĐT lớn đã rục rịch khuyến mãi trước một tuần, thậm chí có trang đã bắt đầu “sale đạp sàn” từ đầu tháng 11 và chính thức tăng tốc trước ngày 11-11 khoảng 2-3 ngày.
Các trang lớn nhất VN hiện nay như Lazada, Tiki, Shopee… đều tập trung lấy ngày 11-11 như điểm nhấn cho dịp mua sắm lớn nhất trong năm.
Ông Zhang YiXing, CEO Lazada VN, cho biết người dùng VN sẽ cùng với các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan có 24 giờ để săn những ưu đãi lớn nhất năm vào ngày này với hơn 50 triệu mặt hàng khuyến mãi, bao gồm hơn 1 triệu mặt hàng giảm giá đến 90% trong 24 giờ mua sắm.
“Chúng tôi gọi đây là đại tiệc mua sắm của mình, lễ hội bán hàng giảm giá lớn nhất năm” – ông Zhang YiXing nói.
Theo ông Trần Thái Ngọc Sơn – giám đốc điều hành Tiki, đơn vị này sẽ có hàng ngàn thương hiệu nổi tiếng cùng tham gia với hàng trăm ngàn sản phẩm khuyến mãi và hơn 1 triệu coupon được tặng cho khách hàng.
“Nếu như trong các năm trước mức tăng trưởng là 3 lần, với sự đầu tư kỹ càng và khuyến mãi hấp dẫn của năm nay, chúng tôi đang đạt mức tăng trưởng 4 lần kể từ khi chương trình diễn ra đến nay” – ông Sơn nói.
Trong khi đó, trang Shopee đã gọi sự kiện khuyến mãi này của mình là “Siêu sale, siêu giảm giá”.
Các ông lớn TMĐT tại VN đều tiết lộ đã làm việc với nhiều thương hiệu và người bán hàng trong nhiều tháng qua, tổ chức hội thảo cho người bán hàng và cung cấp những chiến dịch thương hiệu nhằm biến một lễ hội văn hoá thành một ngày hội mua sắm trên mạng trong dịp cuối năm.
“Vỡ trận” và chất lượng
Theo bà Silvia Siow – giám đốc chiến lược khách hàng khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan của Criteo, số liệu mà đơn vị này thu thập được hồi năm ngoái cho thấy riêng tại VN, doanh số bán lẻ trong mùa giảm giá nhân dịp “ngày độc thân” đã tăng 245% trong khi lượng truy cập tăng 378%.
“VN là quốc gia có mức tăng nhanh thứ 2 trong khu vực” – bà Silvia Siow nói.
Tuy nhiên, số lượng đơn hàng bán ra tăng cũng đi kèm với số đơn khiếu nại, phản ảnh về tình trạng chất lượng hàng hoá, dịch vụ hậu ngày siêu khuyến mãi.
Sau “ngày độc thân” năm ngoái, chị Bích Ngọc (Q.11, TP.HCM) từng phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ câu chuyện mua quần áo Thái Lan nhưng được giao hàng “Made in China”, cho biết sau gần tháng trời phản ảnh với trang, chị mới đổi được hàng với lý do giải thích “đơn hàng nhiều nên bộ phận giao hàng quá tải”.
Theo ông Trần Thái Ngọc Sơn, tình trạng “vỡ trận” sau các ngày khuyến mãi chủ yếu do hệ thống kho bãi, giao hàng bị quá tải và thiếu hàng do các nhà bán hàng ở nhiều kênh khác nhau như online, offline…
Để giải quyết vấn đề này, ngay từ cuối năm ngoái Tiki đã đầu tư mở rộng hệ thống kho bãi, giao hàng vì đó không phải là chuyện có thể làm trong ngày một ngày hai.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Thịnh, giám đốc logistics của Lazada, cũng cho biết để giải quyết số đơn hàng tăng đột biến trong ngày 11-11, đơn vị này đã đầu tư kho bãi, vận chuyển, cơ sở hạ tầng, công nghệ.
Đặc biệt, tăng tính tương tác với khách hàng, sao cho có thể cập nhật đến từng người mua hàng, thời gian, hành trình gói hàng được vận chuyển.
Người dùng vẫn thiếu niềm tin
Ông Simon Baptist – chuyên gia kinh tế kiêm giám đốc điều hành khu vực châu Á của Economist Intelligence Unit, thuộc Economist Group – cho rằng vẫn còn nhiều thách thức cho các doanh nghiệp TMĐT VN do những hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ về tài chính và hỗ trợ, cũng như niềm tin người mua hàng.
Theo khảo sát của EIU, niềm tin vào an toàn TMĐT VN dưới mức trung bình toàn cầu. Một cuộc khảo sát cho thấy 33% các trang web TMĐT bị rủi ro nghiêm trọng liên quan đến dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng. Dịch vụ hậu cần cũng là một thách thức lớn.
“Dù đang được cải thiện nhưng cơ sở hạ tầng của VN còn nhiều bất cập và di chuyển giữa các tỉnh thành còn đắt đỏ, mạng lưới đường bộ cũng như mạng lưới bán lẻ và phân phối” – ông Baptist cho biết.
Dịp để “kiểm tra”
Theo ông Lê Hải Bình – phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT VN (VECOM), thách thức lớn nhất của thị trường TMĐT VN vẫn là niềm tin của người dùng, thể hiện qua tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt còn cao, người dùng vẫn thích chọn nhận hàng rồi mới thanh toán.
“Mỗi mùa giảm giá là một dịp để người dùng có thể “kiểm tra” chất lượng dịch vụ các sàn TMĐT. Do đó, để có thể giữ được tốc độ tăng trưởng cao, các ông chủ sàn còn nhiều việc phải làm” – ông Bình nói.