Nhiều cơ hội trúng tuyển đại học, cần cân nhắc lựa chọn đúng ngành
Nhiều cơ hội trúng tuyển đại học, cần cân nhắc lựa chọn đúng ngành
Cơ hội vào đại học hiện nay rất nhiều nhưng điều quan trọng là các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ ngành nghề để lựa chọn đúng ngành học phù hợp với bản thân mình.
Đó là nhắn nhủ của các chuyên gia tư vấn trong buổi tư vấn đầu tiên của chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 tại Bà Rịa – Vũng Tàu chiều nay 28-11.
Thi như cũ, xét tuyển nhiều phương thức
Chia sẻ với hơn 2.000 học sinh có mặt tại buổi tư vấn này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho biết Bộ GD-ĐT đã có văn bản chính thức khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định như năm 2020.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm 2021 vẫn có 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh giáo dục THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh GDTX.
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ngân hàng câu hỏi thi được bổ sung về số lượng và đảm bảo chất lượng, khách quan, tin cậy và độ cân bằng giữa các đề thi.
“Các em cần lưu ý năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên Bộ GD-ĐT đã giảm tải chương trình. Tuy nhiên, năm nay nếu tình hình dịch bệnh kiểm soát tốt thì chương trình sẽ như những năm trước đó”, thầy Hùng nhắc nhở.
Về tuyển sinh, thầy Hùng cho biết năm 2021 các trường đại học tiếp tục áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, thí sinh cần lưu ý tìm hiểu kỹ quy định xét tuyển của từng phương thức theo quy định riêng của các trường.
8 lĩnh vực nghề nghiệp
TS Lê Thị Thanh Mai – ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc xác định được mình muốn làm việc gì trong tương lai là điều vô cùng quan trọng đối với các học sinh. Để trả lời được câu hỏi này, học sinh cần hiểu chính mình, các tố chất, tính cách của mình có đáp ứng và phù hợp với công việc hay không. Sau đó, cần biết rõ để làm được công việc nào đó cần phải học ngành gì, trường nào.
Hiện nay có gần 300 cơ sở đại học, hơn 200 cơ sở cao đẳng và 2.000 cơ sở đào tạo trung cấp, đào tạo 8 lĩnh vực nghề nghiệp chính: kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, kinh doanh quản lý, sư phẩm, quốc phòng – an ninh, y dược, sư phạm, nghệ thuật…
Về các phương thức tuyển sinh, hiện nay đối với bậc trung cấp, cao đẳng chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể nộp đôn xét tuyển bằng học bạ.
Đối với bậc đại học có 3 phương thức chính: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét điểm thi năng lực.
TS Lê Thị Thanh Mai lưu ý đối với phương thức sử dụng điểm tốt nghiệp THPT, “nước lên thì thuyền lên”. Trong năm qua, nhiều học sinh chủ quan khi sử dụng phương thức này trong xét điểm khi có điểm cao. Tuy nhiên, nếu mặt bằng điểm thi cao thì điểm chuẩn chắc chắn sẽ tăng theo.
“Đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ, học sinh nên nhớ “chăm sóc” điểm học bạ để có nhiều cơ hội trúng tuyển. Đừng chê phương thức nào hết. Còn với phương thức thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, các em cần lên website thi đánh giá năng lực tham khảo đề thi để cải tiến phương pháp học tập phù hợp”, bà Mai khuyên.
Đồng thời, học sinh cần nhìn lại sức học của mình xem tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển, so với điểm chuẩn các năm trước của mình ra sao để có kế hoạch học tập phù hợp. Sau cùng phải xác định rõ sở thích của mình, muốn làm gì trong tương lai rồi mới đưa ra quyết định chọn ngành.
Chọn đúng ngành nghề sẽ nhiều cơ hội việc làm
Phát biểu tại buổi tư vấn, ông Nguyễn Văn Ba – phó giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu, đánh giá cao chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ. Những năm qua, chương trình này đã hỗ trợ tích cực cho ngành giáo dục và rất thiết thực đối với học sinh, phụ huynh.
Ông Nguyễn Văn Ba, phó giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu, phát biểu tại buổi tư vấn chiều nay 28-11 – Ảnh: DUYÊN PHAN
Lựa chọn nghề nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tương lai của mỗi người. Mặc dù thời gian qua học sinh đã được tư vấn nhưng vẫn còn nhiều em chọn nghề theo phong trào, cảm tính, không có sự chuẩn bị chu đáo khi chọn ngành nghề. Do đó, nhiều em học xong thất nghiệp, thậm chí bắt đầu lại từ đầu bằng một công việc mới, một hướng đi khác xa hoàn toàn con đường ban đầu mình đã chọn.
“Lựa chọn đúng nghề nghiệp phù hợp với bản thân, vừa phù hợp với năng lực, sở thích và có nhiều cơ hội tìm được việc làm ổn định sau khi ra trường, sẽ là cơ hội và có tầm ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công và định hướng tương lai của học sinh”, ông Ba nhắn nhủ.