27/11/2024

Cuộc đua bứt tốc thương hiệu Việt

Cuộc đua bứt tốc thương hiệu Việt

124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm nay thêm diện mạo, sắc màu mới khi có những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực mới như công nghệ, thanh toán điện tử tham gia.

 

Cuộc đua bứt tốc thương hiệu Việt - Ảnh 1.

MobiFone lắp đặt các trạm phát sóng thương mại 5G đầu tiên tại TP.HCM. Phát triển hạ tầng 5G không chỉ để cung cấp dịch vụ viễn thông mà còn để cung cấp nền tảng cho các giải pháp chuyển đổi số – Ảnh: THÁI SƠN

VNPAY – một trong những doanh nghiệp đầu tiên đưa ra thị trường dịch vụ thanh toán bằng quét mã VNPAY-QR, lần đầu tiên tham gia chương trình và có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Sản phẩm tạo nên từ trí tuệ

Ông Lê Tánh, tổng giám đốc VNPAY, cho biết VNPAY-QR là lĩnh vực mới nên từ khi thành lập, các tiêu chí dịch vụ được đặt ra hàng đầu là an toàn, đơn giản và phát triển bền vững. Đến nay, với hơn 1.000 điểm bán có sử dụng thanh toán qua mã QR, VNPAY liên tục nghiên cứu và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến giúp người dùng chỉ cần mở ứng dụng ngân hàng trên điện thoại, sử dụng chức năng quét là thanh toán dễ dàng.

“Thị trường Việt Nam rất tiềm năng nên thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Tuy vậy, để cung cấp dịch vụ thanh toán tại Việt Nam, đòi hỏi các đơn vị phải tuân thủ nhiều quy định về quản lý nhà nước liên quan đến an toàn, bảo mật, vận hành.

VNPAY tự tin sẵn sàng xây dựng hạ tầng công nghệ, hệ sinh thái và bộ dịch vụ khá đầy đủ để có thể trở thành đơn vị cạnh tranh ngang ngửa với các ông lớn ở nước ngoài” – ông Tánh cho hay.

Đến nay sau 13 năm đi vào hoạt động, VNPAY đã trở thành nhà cung cấp các dịch vụ nền tảng như ngân hàng số, giao dịch thanh toán ở hầu hết các loại hình dịch vụ, mua sắm trực tuyến với 20 triệu người sử dụng.

Là người sáng lập ra doanh nghiệp khoa học và công nghệ Ngân Hà, bác sĩ Phạm Thị Kim Loan cho hay những tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong” mà chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đưa ra “đồng điệu” với cả quá trình Ngân Hà nghiên cứu và phát triển sản phẩm DOCTORLOAN. Từ nhu cầu cấp bách của cuộc sống trong việc hạn chế, điều trị căn bệnh cột sống – vốn “đeo bám” những người làm việc văn phòng, bác sĩ Loan đã có ý tưởng nghiên cứu chiếc ghế giúp người bệnh ngồi đúng tư thế.

“Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, năm 2013 tôi đã thành công trong việc tạo ra một sản phẩm ghế hoàn hảo và phù hợp nhất cho mọi người. Ghế mang tên DOCTORLOAN đã ra đời và có mặt trên thị trường. Sản phẩm này đã công bố tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) và đã nhận được bằng sáng chế bảo hộ tuyệt đối trong 20 năm ở hơn 60 quốc gia như Việt Nam, Hoa Kỳ, Cananda, Úc, Newzeland, Singapore, Nhật…” – bác sĩ Loan cho hay.

Đầu tư chất xám để làm mới mình

Trong khi đó với MobiFone, vốn là thương hiệu viễn thông quen thuộc, khi nhảy vào lĩnh vực ứng dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp này đặt mục tiêu trở thành thương hiệu top 3 không chỉ trong lĩnh vực viễn thông mà trong cả lĩnh vực công nghệ số.

Có 5 sản phẩm được công nhận là Thương hiệu quốc gia năm 2020, gồm: truyền thanh thông minh, trung tâm liên lạc 3C, phần mềm quản lý kênh phân phối và bán hàng trên nền tảng di động mSale, giải pháp truyền thông ứng dụng BigData, hệ thống giải pháp phân phối dịch vụ giá trị gia tăng, sản phẩm số mSocial – vốn là “nhà mạng” MobiFone đang chuyển thành nhà cung cấp dịch vụ số, giải pháp phục vụ chuyển đổi số hàng đầu tại Việt Nam.

Ông Bùi Sơn Nam, phó tổng giám đốc MobiFone, chia sẻ rằng khi nhảy vào lĩnh vực mới, thách thức đặt ra không nhỏ, đó là làm thế nào để được thị trường chấp nhận khi khách hàng vẫn quen thuộc MobiFone là nhà cung cấp dịch vụ di động chứ không phải dịch vụ hạ tầng số.

Bên cạnh đó là những thách thức nội tại như phải tái cấu trúc bộ máy, tăng cường về hạ tầng, nguồn lực và con người, xây dựng thương hiệu về chuyển đổi số…

“MobiFone có lợi thế cạnh tranh là hạ tầng kết nối phục vụ cho kết nối và lượng khách hàng sử dụng điện thoại di động, đặc biệt smartphone chiếm 70% so với 20% trước đây. Đó là tệp khách hàng 30 triệu khách sử dụng công cụ kết nối cũng mang lại lợi thế về cơ sở dữ liệu BigData hỗ trợ quá trình chuyển đổi số. Vấn đề là làm sao có giải pháp thông minh để đáp ứng yêu cầu?” – ông Bùi Sơn Nam nhấn mạnh hướng đi tiên phong là tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, khai thác trên chính nền tảng công nghệ, hệ sinh thái sẵn có đúng với slogan “Kết nối giá trị, Khơi dậy tiềm năng” mà MobiFone đã lựa chọn.

NGỌC AN – THANH HÀ
TTO