23/11/2024

Các nước quay trở lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng để làm gì?

Các nước quay trở lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng để làm gì?

Mỹ đang dẫn đầu cuộc chạy đua mới chinh phục Mặt trăng với chương trình Artemis. Ngoài ra còn có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Các nước muốn lên Mặt trăng để làm gì?

 

Các nước quay trở lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng để làm gì? - Ảnh 1.

Ba mẫu thiết kế tàu đổ bộ Mặt trăng của Dynetics, SpaceX và Blue Origin (từ trái sang) – Ảnh: NASA

Rạng sáng ngày 24-11, tại bãi phóng Văn Xương (Trung Quốc), tên lửa đẩy Trường Chinh 5 đã phóng tàu thăm dò Hằng Nga 5 của Trung Quốc lên Mặt trăng. Mục đích nhằm thu thập 2kg đất đá Mặt trăng mang về Trái đất trước cuối năm nay.

Mục tiêu sắp tới của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ

Trung Quốc đã chứng tỏ có tiến bộ trong chương trình Mặt trăng. Tháng 1-2019, lần đầu tiên trên thế giới tàu thăm dò Hằng Nga 4 đã hạ cánh ở phần tối Mặt trăng.

Cơ quan Không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) dự kiến đầu thập niên tới sẽ bắt đầu các chuyến bay đưa người lên Mặt trăng và đến năm 2036 sẽ thành lập trạm khoa học quốc tế (ILRS) ở cực nam Mặt trăng.

Về phía Nga, cuối tháng 5-2020, Cơ quan không gian Roscosmos tuyên bố trong năm 2020 sẽ thử nghiệm tên lửa đẩy mới Angara thay thế tên lửa cũ Proton và năm tới sẽ tiếp tục chương trình Mặt trăng.

Roscosmos tuyên bố sẵn sàng hợp tác với dự án xây dựng trạm Mặt trăng của Trung Quốc.

Một ứng viên nặng ký khác cho sứ mệnh chinh phục Mặt trăng là Ấn Độ. Nước này đang chuẩn bị đưa người lên Mặt trăng.

Để mở rộng chương trình tàu không gian Gaganyaan, Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đã dự kiến phát triển tên lửa đẩy đủ mạnh để du hành lên Mặt trăng. Mục tiêu này khó hoàn thành trước thập niên tới.

Ấn Độ đã vấp phải một số thất bại như trong chuyến bay Chandrayaan-2 vào tháng 7-2019, tàu thăm dò đã bị phá hủy ngay khi hạ cánh xuống Mặt trăng.

Tại Nhật, Tập đoàn Toyota hợp tác với Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật (JAXA) cung cấp xe chạy trên Mặt trăng có người lái.

Các nước quay trở lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng để làm gì? - Ảnh 2.

Tên lửa đẩy thế hệ mới Angara của Nga – Ảnh: ROSKOSMOS

Chương trình Artemis của Mỹ

Năm 2019, tức 50 năm sau sứ mệnh Apollo 11 (lần đầu tiên đưa người lên Mặt trăng), Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố ý định sẽ quay lại Mặt trăng vào năm 2024.

Để thực hiện mục tiêu này, NASA đã chủ xướng chương trình Artemis gồm 8 quốc gia liên kết: Mỹ, Ý, Anh, Nhật, Úc, Canada, Luxembourg và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Chương trình Artemis được chia làm ba giai đoạn: chuyến bay không người lái Artemis I lên Mặt trăng vào tháng 11-2021, chuyến bay có người lái Artemis II lên quỹ đạo quanh Mặt trăng năm 2023, tàu đổ bộ Mặt trăng (Human Landing System-HLS) chở hai nhà du hành hạ cánh xuống Mặt trăng năm 2024 trong chuyến bay Artemis III.

Để thiết kế tàu HLS, NASA đã giao hợp đồng trị giá 967 triệu USD cho ba công ty gồm Blue Origin (579 triệu USD), Dynetics (253 triệu USD) và SpaceX (135 triệu USD).

NASA tiết lộ qua chương trình Artemis sẽ xây dựng cấu ​​trúc LunaNet nhằm phát triển mạng truyền dữ liệu tương tự trên Trái đất.

Hệ thống này sẽ tạo điều kiện truyền dữ liệu giữa Trái đất và Mặt trăng, đặc biệt có thể cảnh báo các nhà du hành trong thời gian thực và bảo đảm hoạt động của con người trên Mặt trăng.

Các nước quay trở lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng để làm gì? - Ảnh 3.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 5 tại bãi phóng Văn Xương – Ảnh: AP

Vì sao nhắm đến Mặt trăng?

Trên trang web The Conversation (Pháp), TS Florian Vidal thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) và GS vật lý José Halloy ở Đại học Paris đã đưa ra nhiều lý do giải thích việc các nước quay trở lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng.

Một trong các lý do là sử dụng Mặt trăng làm điểm xuất phát cho các chuyến bay đưa người lên sao Hỏa hoặc các hành tinh khác vì tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Thứ hai là sử dụng Mặt trăng làm điểm huấn luyện cho các nhà du hành sống dài ngày trong không gian. Thứ ba là thử nghiệm các thiết bị như xe có người lái, xe hoạt động từ trạm cố định.

Các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng như nước hay helium-3 (chất đồng vị không phóng xạ hiếm dùng làm nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân) cũng có thể bảo đảm cho con người cư trú lâu dài. Do đó, Mỹ, Nga và Trung Quốc vẫn chưa ký kết Hiệp ước về Mặt trăng năm 1979.

Ngày 6-4-2020, Tổng thống Donald Trump đã ban hành sắc lệnh khẳng định Mỹ không coi không gian ngoài Trái đất là tài sản chung nhân loại.

Các nước quay trở lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng để làm gì? - Ảnh 4.

Mẫu xe Mặt trăng của Toyota hợp tác với JAXA Nhật – Ảnh: JAXA

Những trở ngại trước mắt

Theo TS Florian Vidal và GS José Halloy, quay trở lại Mặt trăng cần ngân sách đáng kể trong khi đại dịch COVID-19 có thể kìm hãm kinh tế lâu dài.

Ngân sách giai đoạn 2021 – 2025 của NASA dành cho chương trình Artemis là 28 tỉ USD, trong đó 16 tỉ USD dành riêng cho tàu đổ bộ Mặt trăng.

Về mặt chính trị, chương trình Artemis rất tốn kém phụ thuộc vào sự ủng hộ của Quốc hội và diễn biến chính trị lâu dài của Mỹ.

Ngoài ra trở ngại về kỹ thuật và hậu cần sẽ cản trở khả năng hoàn thành các dự án, bắt đầu từ các dự án khai thác mỏ trên Mặt trăng.

 

Hiện các nước chủ yếu kêu gọi khu vực tư nhân thực hiện các dự án không gian.

HOÀNG DUY LONG
TTO