Khai mở không gian ngầm
Khai mở không gian ngầm
UBND TP.HCM đã đồng ý đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM về quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho khu 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm để khai thác hiệu quả, đồng thời kết nối với không gian ngầm của tuyến metro sắp đi vào hoạt động.
Giảm áp lực cho mặt đất
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) Nguyễn Thanh Nhã, UBND TP.HCM đã đồng ý tổ chức thi tuyển quốc tế về định hướng, ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kết quả thi tuyển sẽ được sử dụng làm cơ sở điều chỉnh nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm trong 2 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu mở rộng và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời kêu gọi đầu tư các dự án phát triển xây dựng không gian ngầm phù hợp với kế hoạch xây dựng, vận hành tuyến metro số 1, số 2 và các tuyến vận tải công cộng trọng điểm.
Mạng lưới hoàn chỉnh
Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, Sở QH-KT, UBND TP phải có chương trình tổng quan và chi tiết để làm phần chung, phần công cộng kết nối các công trình ngầm của doanh nghiệp, tạo thành một mạng lưới không gian ngầm hoàn chỉnh. Đặc biệt tại khu vực Thủ Thiêm, phải đi trước 1 bước, có quy hoạch rõ ràng để sau này các dự án triển khai có cao trình, có vị trí cửa ra/vào kết nối hợp lý. Vì vậy, triển khai cuộc thi ý tưởng thiết kế thời điểm này là rất cần thiết.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười
Ông Nhã cho biết năm 2019, UBND TP có ý kiến triển khai, tổ chức thực hiện công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị và quy chế quản lý không gian xây dựng ngầm chung. Do đó, năm 2020, Sở QH-KT có đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị TP.HCM. Do quy hoạch không gian ngầm là nội dung mới, nên trong 2 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt chỉ nghiên cứu sơ bộ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chức năng, mối liên kết, giá trị khai thác sử dụng… để kêu gọi đầu tư theo định hướng giao thông công cộng.
Hiện nay, TP.HCM đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào sử dụng tuyến metro số 1 và chuẩn bị đầu tư các tuyến còn lại. Do đó, Sở QH-KT đang nghiên cứu bổ sung các địa điểm quy hoạch không gian ngầm mới để phát huy hiệu quả khai thác của các tuyến metro, vận tải hành khách công cộng. Trước mắt tập trung ở 2 đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 của khu 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nhận định quy hoạch không gian ngầm phải dựa trên nguyên tắc chung là giải quyết khai thác giá trị quỹ đất, đưa hoạt động cộng đồng ở trên xuống dưới để giảm bớt áp lực trên mặt đất. Thứ 2 là giải quyết chỗ đậu xe và thứ 3 là vấn đề an ninh quốc phòng.
Không gian ngầm kết nối metro, kết nối giao thông công cộng không chỉ là làm nhà ga mà còn dịch vụ 2 bên, dịch vụ trong cộng đồng dân cư đi ngang qua đó. Các ga chính phải nhộn nhịp, có đầy đủ tất cả các dịch vụ và phải có đường ngầm kết nối đến các khu chợ, trung tâm thương mại, khu sinh hoạt cộng đồng… để khai thác giá trị triệt để.
Hiện nay tại TP.HCM, trong quy hoạch chung đã có đề án khai thác cụ thể ở quảng trường Quách Thị Trang, công viên 23.9 để kết nối vào ga metro ở khu vực Bến Thành (Q.1). Ngoài ra có thêm trục Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi… Các tuyến đường này bên trên đã có nhiều hoạt động, dịch vụ, bên dưới sẽ là không gian để xe và đa dạng thêm nhiều dịch vụ hơn để thu hút du khách. Riêng đường Tôn Đức Thắng sẽ hoàn toàn phục vụ giao thông, triển khai khu vực để xe, đường đi bộ, kết nối ga metro khu vực Ba Son và kết nối với các loại hình giao thông thủy dọc sông Sài Gòn. Hầu hết công trình lớn dọc các tuyến đường này như khách sạn, trung tâm thương mại… hiện đều khai thác nhiều tầng hầm nhưng chỉ làm gói gọn trong phạm vi khu đất của họ. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là kết nối tầng hầm các tòa nhà này với nhau và kết nối với các tuyến metro.
|
Không “bó” quanh metro
Theo các chuyên gia, việc thiết kế, quy hoạch không gian ngầm, nhất là ở khu vực trung tâm cần sử dụng đơn vị tư vấn thiết kế giỏi từ nước ngoài, nhất là ở các quốc gia phát triển. Họ đã có kinh nghiệm thực tế về quy hoạch, thiết kế không gian, lập quy định quản lý ở đất nước họ. Tuy nhiên, việc khảo sát hiện trạng, thu thập dữ liệu ban đầu nên do tư vấn trong nước thực hiện vì sẽ am hiểu về tình hình thực tế cũng như bước đầu đã thu thập được một số thông tin, dữ liệu về địa chất, công trình ngầm tại TP.HCM.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định TP cần có quy hoạch không gian ngầm để các hệ thống công trình ngầm như metro, hệ thống thoát nước bẩn, hệ thống điện, viễn thông, móng của các tòa nhà rất sâu… không xung đột với nhau. Tất cả các công trình ngầm phải được quy hoạch giống như trên mặt đất.
“Cái khó trong quy hoạch không gian ngầm của TP.HCM là trong đô thị hiện hữu đã có nhiều tòa nhà, có nhiều hệ thống đi ngầm bên dưới lòng đất chằng chịt”, ông Châu nói và lưu ý việc xây dựng ngầm là cực kỳ phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều lần so với xây dựng trên mặt đất, nếu sai khó có cơ hội sửa chữa vì nền đất yếu và có nhiều mạch nước ngầm. Ngoài ra, trong khi chờ đợi một quy hoạch không gian ngầm hoàn chỉnh, lúc này TP cần làm là thu thập thông tin về các công trình ngầm hiện hữu như bãi đậu xe, trung tâm thương mại… để đưa ra quy chế quản lý chung ban đầu, nhất là ở khu vực giao nhau giữa các tuyến metro, các tuyến đường mà metro đi qua.
Nhiều ý kiến lại cho rằng TP không nên dừng lại chỉ ở khu trung tâm, khu Thủ Thiêm mà quy hoạch cần bám theo các tuyến metro, từ “tim” metro có thể chia lớp không gian để quy hoạch và quản lý xem từ mặt đất xuống bao nhiêu mét thì được xây dựng cái gì và xây như thế nào. Phát triển không gian ngầm không chỉ liên quan đến lĩnh vực xây dựng mà còn tính đến các lĩnh vực khác như: môi trường, chống ngập, cháy nổ, an ninh quốc phòng…
Tiền đâu để “chui” xuống đất ?
Khẳng định nhu cầu khai thác không gian ngầm vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội của TP là cần thiết, nhưng việc xây dựng công trình ngầm đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và có ảnh hưởng nhất định đến địa chất, môi trường, nguồn nước…
Thực tế bài toán phát triển không gian ngầm đã được TP.HCM đặt ra từ cách đây nhiều năm, nhưng hầu hết đều thất bại. Khi chủ trương xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ, rất nhiều chuyên gia, nhà quy hoạch đã đề xuất khai thác không gian ngầm bên dưới vừa làm trung tâm thương mại, vừa làm chỗ đậu xe, nhưng vì nhiều lý do, ý tưởng này đành phải gác lại.
Tương tự, từng quy hoạch hơn 10 bãi đậu xe ngầm trên địa bàn Q.1 trong vòng 15 năm qua nhưng đến nay, tại TP.HCM vẫn chưa có một dự án nào được xây dựng. Nhiều vị trí từng được chọn để quy hoạch bãi đậu xe ngầm đã bị TP hủy bỏ, chỉ còn lại 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng sau hơn 1 thập kỷ cũng đã dần “rơi rụng”.
Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, khó khăn lớn nhất đối với bài toán không gian ngầm của TP.HCM là vấn đề tài chính. Về mặt chủ trương, ai cũng biết không gian dưới đất còn rất nhiều khoảng trống để khai thác, nếu làm được sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho giao thông, đô thị, du lịch và thương mại. Về mặt kỹ thuật, cũng không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên ngân sách nhà nước có hạn, quy hoạch giao thông trên mặt đất còn nhiều ngổn ngang, chưa hoàn thiện nên chưa xác định được thời gian và nguồn vốn cho không gian ngầm. Do đó, thời gian tới, nếu quyết tâm triển khai, TP cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, dự trù ngân sách và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia xã hội hóa. Đ.S – H.M
ĐÌNH SƠN – HÀ MAI
TNO