Điểm nghẽn của thị trường
|
|
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong: Thành công của DN là thành công của TP. Do đó trách nhiệm của chính quyền TP là phải tạo điều kiện cho DN phát triển. Đối với một số kiến nghị cụ thể của DN thuộc thẩm quyền của TP, ông Phong đã chỉ đạo các sở ngành liên quan giải quyết ngay cho DN tại hội nghị. Đồng thời đề nghị Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cùng các sở ngành giao ban hằng quý với các DN để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn kịp thời
|
|
|
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh, cho biết quy định đất ở hợp pháp (theo hướng dẫn mới đây của Bộ Xây dựng về thủ tục đầu tư dự án bất động sản) đang làm khó doanh nghiệp (DN) và cả cơ quan chức năng. “Đất ở là đất có nhà đang ở, làm sao mà làm dự án? Trong khi đất nông nghiệp còn khó giải phóng mặt bằng, huống gì đất ở. Quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này hoàn toàn không đúng. TP cần phải kiến nghị sửa luật”, ông Trung nói.
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, nói thẳng những khó khăn, chồng chéo của pháp luật đã khiến công ty ông điêu đứng hai năm nay. Công ty gần như không có dự án mới nào được thực hiện nên phải tinh giản biên chế cả ngàn nhân viên. “Hiện công ty đang bế tắc trong khâu công nhận chủ đầu tư do thuật ngữ đất ở hợp pháp. Như dự án 4,3 ha ở đường Đồng Văn Cống (Q.2) dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã có sổ đỏ nhưng do phải bổ sung thủ tục chấp thuận chủ đầu tư nên đến nay vẫn chưa thể khởi động”, ông Huy nói.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, cũng cho biết công ty ông có dự án 5,8 ha, hiện đã giải phóng mặt bằng gần hết, nhưng không thể thực hiện dự án được do quy định muốn được công nhận làm chủ đầu tư, DN phải có 100% đất sạch và phải có sổ đỏ cho toàn bộ diện tích đất.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, quy định này gây cản trở các dự án phát triển khu đô thị mới, khu dân cư mới, kể cả các khu dân cư nông thôn… Bởi lẽ, các dự án này đều sử dụng chủ yếu quỹ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng. Đến thời điểm này, DN đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn để giải phóng mặt bằng và thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư. Nhiều DN lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay tăng cao, dễ dẫn đến bị rơi vào nhóm nợ xấu, thậm chí có nguy cơ phá sản. Chính phủ cần sớm hướng dẫn cụ thể các trường hợp DN đã bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất (trong đó có đất ở xen cài với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng…) để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được chỉ định chủ đầu tư, với điều kiện phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát triển đô thị, khu dân cư của địa phương.
Kiến nghị gỡ 39 điểm vướng
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, thừa nhận luật Đất đai ngay khi ra đời đã có 109 điểm vướng, đến nay tháo gỡ vẫn còn 39 điểm vướng. Ví dụ, quy định của pháp luật trong dự án hàng chục héc ta, nếu chỉ cần 1 m2 đất của nhà nước quản lý cũng phải đấu giá. Nhưng đấu giá không được vì nó làm dự án bị phá vỡ và cũng không ai đấu giá. Tới đây sẽ tháo gỡ quy định để giao phần đất này cho DN theo giá thị trường.
“Các vướng mắc này DN cần đồng hành với TP để kiến nghị. Còn nếu cán bộ làm sai quy trình thì phản ánh để xử lý. Cố tình làm khó DN, làm sai thì đó là trách nhiệm của giám đốc sở. Bây giờ chúng tôi luôn nghĩ cách làm sao cho tốt chứ không phải ngồi để nghĩ cách làm khó DN”, ông Thắng nói.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết đa phần các dự án khi nhà đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng thì đều có nguồn gốc chủ yếu là đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Khi triển khai luật Nhà ở và nghị định hướng dẫn, TP đã nhận thấy vướng mắc này. Do đó, tháng 4.2016, UBND TP đã có công văn đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện. Tháng 5.2016, Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận đề xuất của TP.
Tuy nhiên, bộ này lại đề nghị “TP phải có văn bản báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”. Tháng 11.2016, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng về vướng mắc của TP và kiến nghị cho phép thực hiện theo quan điểm của TP. Khoảng một năm sau, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các bộ liên quan “nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc giao đất theo hình thức chỉ định đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở có tính chất đặc thù, riêng biệt, đảm bảo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện”. Tuy nhiên trên thực tế các cơ quan chức năng khi giải quyết hồ sơ rất ngại vì các chỉ đạo nói trên đều dưới luật.
ĐÌNH SƠN