Cụ thể, có 27 nam sinh và nữ sinh, tất cả từ 18 tuổi trở xuống, vừa được tuyển chọn từ hơn 5.000 thí sinh cho “chương trình thử nghiệm phát triển hệ thống vũ khí thông minh” tại Viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT), theo thông báo từ wesbite của BIT.
BIT là một trong những viện nghiên cứu vũ khí hàng đầu của Trung Quốc và việc phát động chương trình đào tạo mới cho thấy viện này chú trọng phát triển công nghệ AI cho mục đích quân sự.
“Các trẻ em này đều rất thông minh, nhưng chỉ thông minh là chưa đủ”, theo lời một giáo sư BIT, người tham gia vào quá trình tuyển sinh cho chương trình mới nhưng không muốn tiết lộ danh tính. “Chúng tôi đang tìm kiếm những đặc điểm khác như suy nghĩ sáng tạo, sẵn sàng chiến đấu và kiên trì khi gặp thách thức. Đam mê phát triển vũ khí mới là điều kiện bắt buộc và họ cũng phải là những người yêu nước”, vị giáo sư cho hay.
Theo chương trình đào tạo, mỗi học viên sẽ được hai nhà khoa học vũ khí hướng dẫn, đào tạo. Sau khi hoàn tất một khóa học ngắn trong học kỳ đầu tiên, các học viên sẽ được yêu cầu chọn một lĩnh vực chuyên môn, như kỹ thuật hoá, điện tử hoặc thiết kế vũ khí. Sau đó, họ sẽ được điều tới một phòng thí nghiệm quốc phòng liên quan để có thể phát triển các kỹ năng của mình thông qua các kinh nghiệm thực hành.
BIT công bố chương trình đào tạo mới tại trụ sở của Norinco, một trong những nhà thầu quốc phòng lớn của Trung Quốc, hôm 28.10. “Chúng tôi đang đi trên một con đường mới, làm những điều không có ai làm trước đây”, một đại diện học viên khẳng định trong thông cáo.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo kéo dài 4 năm, các học viên sẽ tiếp tục theo học chương trình tiến sĩ để trở thành những người lãnh đạo kế tiếp của chương trình phát triển vũ khí AI ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Eleonore Pauwels thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách (Mỹ) lo ngại về chương trình mới của BIT.
“Đây là chương trình đại học đầu tiên trên thế giới được thiết kế để khuyến khích thế hệ kế tiếp suy nghĩ, thiết kế và phát triển AI cho nghiên cứu và ứng dụng quân sự”, bà Pauwels nhận xét. Theo lời bà, Mỹ cũng có những chương trình tương tự, nhưng vận hành một cách tương đối bí mật và dùng những nhà khoa học có tiếng. Trong khi đó, chương trình BIT dường như tập trung nhiều vào đào tạo thế hệ tiếp theo trong quá trình vũ khí hoá trí tuệ nhân tạo.
Bà Pauwels dự đoán những sinh viên tham gia chương trình BIT sẽ thiết kế AI thành lực lượng có thể vũ khí hoá những hệ thống thông minh và tự động.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Stuart Russell, giám đốc Trung tâm Hệ thống thông minh tại Đại học California, Berkeley, mô tả chương trình đào tạo của BIT là “ý tưởng rất tồi”. “Các cỗ máy không nên được phép quyết định giết chết con người. Những cỗ máy như thế sẽ nhanh chóng trở thành vũ khí hủy diệt hàng loạt và gia tăng nguy cơ chiến tranh”, ông Stuart cảnh báo.
VĂN KHOA