Tương lai khó lường cho chính trường Mỹ
Ngày 6.11, hàng chục triệu cử tri trên khắp nước Mỹ đi bỏ phiếu trong đợt bầu cử quốc hội giữa kỳ được đánh giá là cạnh tranh gắt gao nhất trong nhiều năm qua.
Tương lai khó lường cho chính trường Mỹ
Ngày 6.11, hàng chục triệu cử tri trên khắp nước Mỹ đi bỏ phiếu trong đợt bầu cử quốc hội giữa kỳ được đánh giá là cạnh tranh gắt gao nhất trong nhiều năm qua.Trong cuộc bầu cử lần này, cử tri bỏ phiếu để bầu ra toàn bộ 435 ghế trong hạ viện, 35/100 ghế ở thượng viện, 36 thống đốc bang và hơn 6.000 ghế trong các nghị viện địa phương. Kết quả có thể sẽ được công bố vào trưa nay 7.11, theo tờ The New York Times.
Giới quan sát nhận định dù Tổng thống Donald Trump không có tên trên các lá phiếu nhưng kỳ bầu cử lần này được xem là “cuộc trưng cầu dân ý” đối với những chính sách quyết liệt và gây tranh cãi của ông về nhập cư, thương mại, đối ngoại và an ninh.
Kết quả thăm dò sơ bộ tối qua cho thấy đảng Cộng hoà sẽ tiếp tục nắm thế đa số ở Thượng viện nhưng đánh mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Dân chủ. Nếu kịch bản này trở thành sự thật, phe Dân chủ sẽ gây nhiều thách thức cho các quyết sách quan trọng của Tổng thống Trump và thậm chí có thể khởi động tiến trình luận tội ông liên quan đến cáo buộc thông đồng với Nga. Ngoài ra, đảng Dân chủ có thể nắm thêm ghế trong một số ủy ban quốc hội có quyền điều tra những cáo buộc liên quan đến chính phủ và gây bất lợi đáng kể cho nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Trump vào năm 2020. Bên cạnh đó, bình luận viên Aaron Blake của tờ The Washington Post nhận định nếu cuộc bầu cử giúp đảng Dân chủ lấy lại quyền kiểm soát Hạ viện trong khi đảng Cộng hoà vẫn chiếm thượng phong Thượng viện thì chính trường Mỹ sẽ lâm vào bế tắc trong 2 năm tới. “Khi hai bên đấu đá lẫn nhau, sẽ khó có đạo luật lớn nào được thông qua”, theo ông.
Mặt khác, theo Đài NPR, cuộc bầu cử lần này được dư luận quốc tế quan tâm nhiều hơn so với những kỳ bỏ phiếu trước đó. Tại châu Âu, nhiều thành viên EU và NATO theo dõi sát sao mọi diễn biến vì họ lo ngại Tổng thống Trump dường như đang quay lưng với những đồng minh, trong đó có Anh và Đức. Nhà khoa học chính trị Leslie Vinjamuri thuộc Tổ chức Nghiên cứu vấn đề quốc tế Chatham House (Anh) cho hay trong giới trí thức ở London có nhiều người muốn cử tri Mỹ trao lại quyền kiểm soát Hạ viện cho đảng Dân chủ để hạn chế quyền lực của Tổng thống Trump. Cũng trong ngày 6.11, lãnh đạo nhóm nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc Hong Young-pyo nhận định cơ cấu quốc hội Mỹ có thể sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và điều này sẽ ảnh hưởng tới chính sách thương mại cũng như chính sách của Nhà Trắng đối với CHDCND Triều Tiên. Từ đó, ông Hong kêu gọi chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in quan tâm theo dõi cuộc bầu cử để có phản ứng kịp thời và hiệu quả, theo Yonhap.
VĂN KHOA