24/11/2024

Doanh nghiệp kêu trời vì thủ tục

Doanh nghiệp kêu trời vì thủ tục

Nhiều doanh nghiệp đầu tư lò giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM tiếp tục than phiền vì thủ tục kéo dài của các cơ quan chức năng dẫn tới không đảm bảo tiến độ, dự án có nguy cơ bị hủy bỏ hoặc phá sản.

 

Doanh nghiệp kêu trời vì thủ tục - Ảnh 1.

Hàng trăm tỉ đồng được Công ty An Hạ bỏ ra để nhập khẩu máy móc về từ năm 2018 nay đang phải nằm chờ bám bụi trong kho – Ảnh: TRẦN MẠNH

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp về tiến độ thực hiện nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn TP.HCM ngày 18-11 do Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức.

Lo thủ tục “bức tử” doanh nghiệp

Ông Đàm Văn Hoạt, giám đốc Công ty TNHH thịt an toàn và dinh dưỡng (Nutri-Meat), cho biết tháng 11-2018 công ty này trúng đấu giá tài sản tại xã Phú Hòa Đông (Củ Chi) của Công ty TNHH Phạm Tôn.

Sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính và pháp lý liên quan, ngày 28-5-2020 UBND TP.HCM ra quyết định chấp thuận Công ty Nutri-Meat thay thế Công ty Phạm Tôn để đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tại địa chỉ nói trên.

Tuy nhiên từ đó đến nay, Công ty Nutri-Meat vẫn chưa được các sở ngành liên quan giải quyết thủ tục pháp lý để đầu tư vào dự án.

“Chúng tôi đã chuẩn bị tài chính nhưng thủ tục khó khăn kéo dài gần 2 năm. Trong khoảng thời gian trên, nhiều nhà máy khác đã cung ứng sản phẩm ra thị trường làm chúng tôi mất cơ hội đầu tư. Nếu TP.HCM không đồng ý cho thực hiện tiếp dự án thì cần thông báo rõ để chúng tôi chuyển mục đích sử dụng, thu hồi vốn” – ông Hoạt đề nghị.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm – giám đốc Công ty TNHH An Hạ – bức xúc phát biểu tại cuộc họp rằng dự án Nhà máy giết mổ gia súc Xuyên Á (Củ Chi) do công ty triển khai 5 năm qua gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác vẫn chưa thấy lối thoát.

Sau nhiều đơn từ kêu cứu, ngày 14-9-2020 Sở Tài nguyên – môi trường (TN-MT) TP.HCM có văn bản trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định cho Công ty An Hạ thuê đất để xây dựng nhà máy. Đến ngày 14-10, UBND TP.HCM có quyết định số 3845/QĐ-UBND cho Công ty An Hạ thuê đất với hình thức sử dụng đất là đóng tiền thuê đất hằng năm (như đề xuất của Sở TN-MT).

Theo bà Thắm, quyết định này giống như một đòn “kết liễu” đối với Công ty An Hạ. Bởi trả tiền thuê đất hằng năm tức là doanh nghiệp không thể thế chấp ngân hàng lấy vốn hoàn thiện nhà máy. Trong khi để làm cơ sở hạ tầng và mua máy móc, An Hạ đã chi hơn 100 tỉ đồng từ năm 2018.

Bà Thắm cũng nhiều lần gặp Sở TN-MT để chỉ ra quy định của Luật đất đai cho phép dự án của công ty được thuê đất trả tiền một lần. Nhưng người đại diện của Sở TN-MT nói rằng luật quy định vậy nhưng UBND TP.HCM có quy định khác nên không thể đề xuất cho trả tiền một lần.

“Nếu không được thế chấp dự án để vay vốn hoàn thiện nhà máy và đưa vào hoạt động thì chúng tôi buộc phải phá sản. Tại sao tôi cầu xin được làm đúng theo quy định của pháp luật mà khó khăn đến như vậy? Giờ tiền đã đổ hết vào dự án nhưng không thể tiếp tục thực hiện, tôi đã nghĩ đến việc nhảy lầu để các cơ quan chức năng thấy sự vô cảm của họ” – bà Thắm bức xúc.

Lập tổ công tác giải quyết

Theo ông Đinh Minh Hiệp – giám đốc Sở NN&PTNT, trước báo cáo của các doanh nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm và tình hình thực tế, để chủ động cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân TP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2021, Sở NN&PTNT sẽ có báo cáo gửi UBND TP. Theo đó, đề nghị dời thời hạn thực hiện việc đóng cửa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đến cuối năm 2021.

“Với những khó khăn của từng doanh nghiệp cụ thể, chúng tôi sẽ có tổ công tác làm việc với các sở ban ngành liên quan để tìm cách tháo gỡ và báo cáo với UBND TP” – ông Hiệp nói.

Liên tiếp chậm tiến độ

Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết do khó khăn về thủ tục nên tiến độ thực hiện dự án bị chậm, đề nghị Sở NN&PTNT có ý kiến với UBND TP.HCM hoãn thực hiện chấm dứt các lò mổ thủ công vào cuối năm nay.

Theo kế hoạch, đến ngày 31-12-2020 sẽ đưa vào hoạt động 3 nhà máy giết mổ heo công nghiệp hiện đại trên địa bàn TP.HCM là nhà máy Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, công suất 2.000 con heo/ngày), nhà máy Lộc An (Củ Chi, công suất 2.000 con/ngày) và nhà máy Tân Thạnh Tây (Củ Chi, công suất 2.000 con/ngày).

Theo đó, tất cả các cơ sở giết mổ hiện hữu phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên theo đánh giá, đến nay 3 nhà máy nói trên hoặc hoạt động với công suất thấp hoặc khó hoàn thiện và đi vào hoạt động ổn định vào cuối năm 2020.

TRẦN MẠNH
TTO