‘Khai tử’ sổ hộ khẩu từ năm 2023
‘Khai tử’ sổ hộ khẩu từ năm 2023
Chiều 13-11, Quốc hội bấm nút thông qua Luật cư trú (sửa đổi) với 93,1% đại biểu tán thành và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2021, trong đó quyết định “khai tử” sổ hộ khẩu giấy từ đầu năm 2023, chuyển sang sử dụng số định danh cá nhân.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay người dân sẽ tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết năm 2022 nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm phiền phức cho người dân, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành.
Dùng sổ hộ khẩu đến hết năm 2022
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật cư trú và việc triển khai thực hiện các quy định của luật ngay từ ngày 1-7-2021.
Trường hợp khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò ngay cả khi chưa đến thời hạn 31-12-2022.
Như vậy, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31-12-2022. Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi người dân làm các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Thời hạn đăng ký tạm trú vẫn tối đa là 2 năm
Luật cư trú (sửa đổi) cũng đưa ra nội dung rõ hơn quy định về hộ gia đình. Theo đó, những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột thì có thể được đăng ký thường trú, tạm trú.
Những người khác tuy không có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống gần gũi nhưng có đủ điều kiện theo quy định của luật này cũng được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp. Bổ sung quy định trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ.
Về thời hạn tạm trú và thủ tục gia hạn tạm trú, mặc dù nhiều đại biểu tán thành không quy định về thời hạn đăng ký tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính, hạn chế việc gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu không có quy định sẽ dẫn tới khó khăn, bất cập trong quản lý cư trú, khó đảm bảo chính xác số lượng người thực tế tạm trú trên địa bàn.
Vì vậy luật được thông qua tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú tối đa là 2 năm như quy định hiện hành, người đăng ký tạm trú có trách nhiệm làm thủ tục gia hạn tạm trú trong thời gian 15 ngày trước khi kết thúc thời hạn tạm trú.
Về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, luật được thông qua quy định công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau: được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.
Không đồng ý “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”
Cũng trong chiều 13-11, Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính với đa số đại biểu tán thành, bác đề xuất nêu ra trong dự thảo về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước.
Lý do: trên thực tế thi hành cơ bản không có khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính nên không cần áp dụng biện pháp này.
Sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn hơn với người nghiện ma túy
Dự án Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận hôm qua 13-11, với các quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng “quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) dẫn con số trung bình trong 5 năm gần đây, cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy, khối lượng chất ma túy thu giữ tính bằng tấn. Ma túy gây ra quá nhiều hệ lụy xấu cho xã hội, đặc biệt là với gia đình có người nghiện. Do đó, đại biểu Phương không đồng ý quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình.
Về thời hạn áp dụng đối với người đưa đi cai nghiện và sau cai nghiện, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng: “Nếu đã cai nghiện mà tái nghiện thì cũng có thể đưa vào trại cai nghiện trở lại chứ không nhất thiết phải quy định 6 tháng hay 1 năm. Nếu quy định từ 1 năm trở lên sẽ không thực tiễn vì có rất nhiều trường hợp sau khi ra trại ít ngày hoặc vài tháng lại tiếp tục tái nghiện, vì vậy nếu phát hiện tái nghiện thì phải tiếp tục đưa vào trại cai nghiện trở lại”.
Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Tô Lâm cho biết: “Xu hướng hiện nay, những người nghiện ma túy rất đa dạng, trí thức có, cán bộ có, trong nhân dân rất nhiều, thanh niên có, thậm chí trẻ em cũng có. Mình đối xử, xử lý thế nào? Đây là những người rất đáng thương, cần phải có những biện pháp xã hội. Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng đây phần lớn là những người có nhân thân xấu, phần lớn là có tiền án, tiền sự, có những vi phạm pháp luật khác, cần có chế tài, biện pháp răn đe”.
Ông đề nghị phải thể hiện rõ ràng thái độ của xã hội với người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy trong luật này như mong muốn của các đại biểu Quốc hội.
LÊ KIÊN
Dần phấn khởi vì được nhiều lợi ích
Ông Hoàng Văn Sơn (P.Phú Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội):
Tôi ủng hộ
Bản thân là một công dân thủ đô, biết tin Luật cư trú (sửa đổi) được các đại biểu nhấn nút thông qua với 93,1% tán thành, tôi vô cùng phấn khởi.
Công việc tôi thường xuyên phải liên hệ các cơ quan chức năng để làm việc, sau khi luật sửa đổi thấy rằng chỉ cần sử dụng căn cước công dân để làm các thủ tục hành chính thì sẽ nhanh hơn rất nhiều thay vì lúc nào cũng phải mang theo sổ hộ khẩu. Luật sửa đổi sẽ rất thuận lợi để sử dụng làm thủ tục hành chính các nơi, các đơn vị.
Chẳng hạn khi gia đình tôi muốn chuyển đến nơi ở mới, luật mới sẽ giúp giản đơn thủ tục. Hay con tôi muốn đi học ở nơi gia đình vừa dọn đến cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Tôi hay đi công tác ở các nước thấy họ đã làm việc này lâu rồi. Có nước ở khu vực Đông Nam Á cũng đã bỏ sổ hộ khẩu từ gần 10 năm nay rồi. Tôi hoàn toàn ủng hộ Luật cư trú mới được sửa đổi này.
Q.THẾ
Anh Võ Đức Tài (sống ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam):
Tạo điều kiện thuận lợi cho người trẻ
Theo tôi, việc “khai tử” sổ hộ khẩu là một bước ngoặt lớn trong đời sống xã hội khiến nhiều người vui mừng. Đặc biệt đối với những người trẻ, người chưa có điều kiện sở hữu nhà ở, thuận lợi trong giải quyết nhiều thủ tục hành chính so với trước đây.
Bây giờ làm thủ tục từ đi học, đi xin việc, kết hôn, khai sinh… đều đòi hỏi sổ hộ khẩu nhưng không phải ai cũng có được sổ hộ khẩu. Việc duy trì sổ hộ khẩu đi kèm với các điều kiện khác khi giải quyết thủ tục hành chính đã gây ra bao khó khăn cho người dân, đặc biệt là đối với các công dân trẻ lên thành phố lập nghiệp, sinh viên mới ra trường.
Sau này khi luật mới có hiệu lực, điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp như thuê, mượn, ở nhờ được luật quy định cũng “dễ thở” hơn. Nếu người thuê nhà hoặc ở nhờ chỉ cần được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý là có thể được đăng ký thường trú.
H.KHÁ
Ông Trần Trung Hòa (P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM):
Nên hướng dẫn rõ cho người lớn tuổi
Được cấp mã số định danh cá nhân vừa tiết kiệm thời gian, công sức và tiện lợi góp phần đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ cho công dân. Việc người dân đi đâu cũng phải mang theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú rất dễ bị thất lạc, đánh rơi… thì mã số định danh cá nhân sẽ giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, đối với những người lớn tuổi chưa rành công nghệ, khi triển khai cấp mã số định danh cần có giải thích hay hướng dẫn người dân sử dụng để đạt hiệu quả cao.t.HIẾN
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM):
Lợi cả đôi đường
Bỏ sổ hộ khẩu giấy là một yêu cầu tất yếu khi Nhà nước chuyển đổi hình thức quản lý cư dân bằng hồ sơ giấy với nhiều rắc rối sang hình thức quản lý thông qua dữ liệu điện tử về dân cư.
Người dân sẽ được nhiều lợi ích. Dễ thấy nhất là việc không cần phải khổ sở đi làm sổ hộ khẩu. Tiếp đó là rất nhiều các thủ tục liên quan hộ khẩu sẽ được số hóa, vô cùng giản tiện cho người dân khi thực hiện như: khai sinh, khai tử, giấy xác nhận độc thân, kết hôn, học hành… Từ đó đơn giản hóa được rất nhiều thủ tục giấy tờ.
Như vậy quản lý dân cư bằng dữ liệu điện tử chứ không bằng sổ hộ khẩu là một bước tiến lớn trong quản lý hành chính. Trách nhiệm của cơ quan chức năng làm sao thu thập, bảo vệ, quản lý dữ liệu… để bảo đảm kịp tiến độ, kết nối và chia sẻ đồng bộ, thống nhất với nền tảng công nghệ của toàn bộ hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh người dân được lợi vì thủ tục đơn giản, Nhà nước cũng sẽ thuận tiện hơn rất nhiều trong việc quản lý dân cư.
T.AN