Doanh nghiệp bất động sản khốn khổ vì 2 chữ ‘đất ở’: Dự án bị ‘chặn đường’
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các quy định như doanh nghiệp phải có 100% quyền sử dụng đất ở hợp pháp mới được chỉ định làm chủ đầu tư… đang gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.
Doanh nghiệp bất động sản khốn khổ vì 2 chữ ‘đất ở’: Dự án bị ‘chặn đường’
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các quy định như doanh nghiệp phải có 100% quyền sử dụng đất ở hợp pháp mới được chỉ định làm chủ đầu tư… đang gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.
Doanh nghiệp khó đáp ứng quy định đất ở 100% để làm dự án ẢNH: KHẢ HOÀ
Hôm qua 2.11, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có công văn kiến nghị về các vấn đề đang gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản liên quan đến quy định “phải có đất ở 100% mới được chỉ định là chủ đầu tư”.
Nhiều DN có nguy cơ phá sản
Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA), các quy định như doanh nghiệp (DN) phải có 100% quyền sử dụng đất ở hợp pháp mới được chỉ định làm chủ đầu tư dự án, về việc đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất… đang gây ách tắc, khó khăn đối với tất cả DN BĐS.
Đại diện HoREA cho biết, việc cơ quan nhà nước không giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp DN đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án BĐS đang là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm sản phẩm nhà ở. Nhiều DN đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay cao, bị rơi vào nhóm nợ xấu, thậm chí có nguy cơ phá sản. Từ giữa năm 2016 đến nay, HoREA đã có rất nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Nhiều DN bức xúc cho biết, để hoàn tất một hồ sơ pháp lý cho dự án cũng phải mất 2 – 3 năm với rất nhiều thủ tục nhiêu khê, vất vả, tốn tiền, tốn thời gian. Quy định để được chấp thuận là chủ đầu tư phải sở hữu 100% đất ở hợp pháp còn “mạnh tay” hơn, “chặn” ngay đường đi của dự án.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng phân tích các quy định trong thủ tục thực hiện dự án đầu tư BĐS đang đá nhau và khá rối rắm. Ví dụ trước đây nhà nước không cho phép các DN mua đất trước khi có chủ trương giao dự án. Vì vậy, các DN phải “lách” bằng cách cho người quen, bạn bè mua gom đất trước.
Sau đó, khi có chủ trương phê duyệt dự án thì lại thực hiện các thủ tục như chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng… Nay lại bắt buộc DN phải mua đất trước rồi chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thành đất ở trước khi xin phép lập dự án. Mỗi quy định liên quan lại ban hành ở nhiều luật khác nhau như luật Nhà ở, luật Đất đai, luật Kinh doanh BĐS… nên sẽ khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện.
Lỗi quy hoạch, không phải do sử dụng đất
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn luật sư TP.HCM, khẳng định việc cơ quan nhà nước không giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp DN đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án BĐS là quy định vô lý. Thực tế khi DN tự thương lượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, phổ biến phần lớn là đất nông nghiệp, rất ít diện tích là đất ở.
Không thể có DN nào trong giai đoạn đầu có được 100% đất ở để làm dự án. Ngay như khu vực trung tâm TP.HCM hiện nay, nếu áp dụng quy định này, tối đa chỉ có được 2.000 m2, xây được 50 tầng chung cư. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển khu dân cư, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… DN muốn tham gia đầu tư vào cũng cực kỳ khó, nếu không muốn nói là không thể được. Chưa kể điều này còn đi ngược lại với chủ trương xây dựng, phát triển các khu đô thị mới bởi ở vùng ven, ngoài rìa các thành phố lớn càng khó để kiếm được 100% đất ở.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm nhấn mạnh: Vấn đề không phải hạn chế loại đất được làm dự án BĐS, mà là hạn chế tình trạng địa phương tự ý thay đổi quy hoạch không gian đô thị, làm biến đổi mục đích sử dụng đất. “Đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, rừng phòng hộ… đất nào cũng có thể được sử dụng để làm dự án BĐS, miễn là không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của địa phương. Song song, luật Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phải được giám sát chặt chẽ, thực hiện đúng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông đề xuất.
MAI PHƯƠNG – HÀ MAI