24/11/2024

Tranh luận tại Quốc hội: Thủy điện sai hay người làm sai?

Tranh luận tại Quốc hội: Thủy điện sai hay người làm sai?

Phiên thảo luận ngày hôm qua 5-11 tại hội trường Quốc hội nóng lên với sự tranh luận qua lại giữa các đại biểu cũng như đại biểu với các bộ trưởng về hai vấn đề thời sự: thuỷ điện và rừng.

 

Tranh luận tại Quốc hội: Thủy điện sai hay người làm sai? - Ảnh 1.

Xung quanh đập thủy điện Đăk Mi 4 (Phước Sơn, Quảng Nam), rừng cơ bản đã không còn – Ảnh: LÊ TRUNG

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện quy trình về pháp luật, pháp lý về quản lý các dự án thủy điện rất bài bản. Dự án phải có báo cáo về kinh tế, kỹ thuật; báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên nhiều đại biểu chưa đồng ý.

Đánh giá phải xem xét cho khách quan và thấy được rằng con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật, do lợi ích nhóm gây ra, mà chúng ta xử là xử động cơ mục đích của họ. Khi chọn địa điểm và lạm dụng quy trình, thủ tục để trục lợi thì điều đó đáng lên án. Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau)

“Mọi thứ đều đúng, chỉ có trời sai?”

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các báo cáo này giúp cho các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư sẽ đánh giá xem dự án nào chủ đạo, có hiệu quả và mức độ tác động tiêu cực ra sao. Quan trọng hơn, các dự án phải được thỏa mãn cả những giải pháp và biện pháp để khắc phục và giảm bớt những hạn chế, tiêu cực nhằm khai thác tốt những ưu thế, lợi ích.

Liên quan đến các vấn đề về quản lý đất, nhất là xâm dụng đất rừng tự nhiên, ông Tuấn Anh cho biết đầu tiên địa phương phải căn cứ quy định để bổ sung dự án vào quy hoạch. Trong đó nói rõ tiêu chí để sử dụng đất là như thế nào và nếu như vượt quá 10ha đất cho 1MW điện sẽ không xem xét. Hoặc là đất rừng tự nhiên cũng đã có hướng dẫn cụ thể không được xem xét.

“Khi bố trí để bổ sung vào quy hoạch, chúng tôi phải làm thủ tục để xin ý kiến của tất cả các bộ, ngành liên quan và nhiều cơ quan khác để đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như mục tiêu ưu tiên trong các quy hoạch” – ông Trần Tuấn Anh nói.

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (tỉnh Bình Dương) tranh luận và cho rằng: “Nếu phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, từ hôm qua (ngày 4-11 – PV) đến giờ, tôi thấy mọi thứ chúng ta đều đúng, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá”.

Ông Hồng cho rằng bộ trưởng nói lỗi do chính quyền địa phương, do quy hoạch, do khâu tổ chức thực hiện là chưa ổn.

“Ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với việc lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt. Chúng ta làm nhiều đập thủy điện thì nó không vỡ đập thủy điện, nhưng sẽ vỡ ở các chỗ khác. Nước dâng cao nó phải tìm đường thoát, tạo ra trái quy luật tự nhiên, nó sẽ gây ra những hậu quả” – ông Hồng nói.

Không thể đổ thừa phía thủy điện nhưng một dòng sông nó chịu được bao nhiêu thủy điện? Nếu một dòng sông cho 3 thủy điện khác với cho làm 8 cái. Khi xét duyệt 1, 2, 3 nhà máy đầu tiên quy trình xét duyệt khác, nhưng khi bắt đầu nhà máy thứ tư trở đi thì tác động khác rồi, không thể xét duyệt như những nhà máy trước. Nếu chúng ta đơn giản hóa những chỗ này thì không thấy được trách nhiệm của Nhà nước ở đâu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Tranh luận tại Quốc hội: Thủy điện sai hay người làm sai? - Ảnh 4.

Hồ thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, xả nước qua tràn – Ảnh: TẤN LỰC

Lạm dụng quy trình làm thủy điện

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) nhận định nếu nói thủy điện là nguyên nhân của sự tàn phá trong đợt lũ lụt vừa rồi phải xem xét lại. Chính nhờ đập thủy điện sông Đà (Hòa Bình) điều tiết lũ nên Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử.

Nhà máy thủy điện này cũng đã điều tiết nước rất tốt. Lũ lụt ở vùng Đồng bằng sông Hồng cơ bản được khắc phục, đó là mặt tốt của thủy điện.

Theo ông Vân, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm kỹ thuật.

“Nói đến thủy điện, tôi nghĩ rằng các nhà chuyên môn phải nghĩ đến thủy công, thủy lực, tổ chức dòng chảy, phân nước để tránh thiệt hại cho nhân dân. Nhưng đáng tiếc một số chủ nhà máy thủy điện đã lạm dụng quy trình đấy để trục lợi thông qua phá rừng, nhằm lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên, đó là điều đáng lên án. Còn nếu như nói đến vai trò thủy điện, cộng với thủy lợi thì chúng ta phải thấy được mặt tích cực của nó” – ông Vân nêu ý kiến.

“Đánh giá phải xem xét cho khách quan và thấy được rằng con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật, do lợi ích nhóm gây ra, mà chúng ta xử là xử động cơ mục đích của họ. Khi chọn địa điểm và lạm dụng quy trình, thủ tục để trục lợi thì điều đó đáng lên án. Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện” – ông Vân nhấn mạnh.

Đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) cũng tiếp lời cho rằng những cảnh báo của ông là chuyện 30 năm, 40 năm, thậm chí 50 năm nữa, không phải câu chuyện ngày hôm nay. Nếu không nhìn nhận trước sẽ để lại di họa cho con cháu phải giải quyết.

Theo ông Quốc, nên quy định chủ đầu tư khi tham gia xây nhà máy thủy điện phải đóng một khoản tiền “giữ chân” như phí môi trường để sau này khi dừng khai thác có chi phí xử lý. “Nói việc này phải nhìn trước, phải có chế tài và phải có cách để mình nắm đằng chuôi, Nhà nước phải nắm; còn doanh nghiệp họ có thể tìm mọi cách thoái thác, bỏ đi, ai làm gì được?” – ông Quốc nói.

Sạt lở không phải do thủy điện nhỏ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đưa ra hàng loạt dẫn chứng khoa học để chỉ rõ những thảm họa từ sạt lở, lũ lụt vừa qua là do tổ hợp các dạng thiên tai xảy ra cùng một lúc chứ “không phải do thủy điện nhỏ”. Theo ông Hà, lỗi của phát triển thủy điện nhỏ nằm ở chỗ chưa tính toán được lợi ích, tính năng thiết kế, hiệu quả và công nghệ. Nếu chúng ta tính toán thiết kế được các công trình này hài hòa với tự nhiên thì vừa có thể duy trì nguồn điện năng và không làm biến đổi tự nhiên.

TIẾN LONG – NGỌC AN
TTO