Nợ công ngày càng tăng
Nợ công ngày càng tăng
Nợ công năm nay vọt lên 3,63 triệu tỉ đồng và sẽ tiếp tục lên 4 triệu tỉ đồng vào năm sau. Như vậy, trung bình mỗi người Việt trong năm nay phải “gánh” 37 triệu đồng nợ công và năm 2021 là 40 triệu đồng/người.
Một người Việt “gánh” 40 triệu đồng nợ công
Nợ công của Việt Nam tăng mạnh qua từng năm. Tại báo cáo về nợ công 2020, dự kiến 2021 của Chính phủ gửi đến Quốc hội, nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,63 triệu tỉ đồng và nghĩa vụ Chính phủ phải trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng trên 360.000 tỉ đồng. Với dân số khoảng 97,5 triệu người của năm 2020, trung bình mỗi người dân gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công. Sang năm 2021, nợ công theo dự toán lên đến 4 triệu tỉ đồng thì bình quân mỗi người “gánh” 40 triệu đồng nợ công.
Bộ Tài chính cho biết chất lượng nợ công đã ngày càng được cải thiện so với giai đoạn năm 2013 – 2015. Trong khi giai đoạn trước, thời hạn danh mục trái phiếu chính phủ khoảng 2,9 năm, lãi suất 11 – 12%/năm, phải đảo nợ thường xuyên, thì nay với nhiều nỗ lực cơ cấu lại, thời hạn danh mục trái phiếu chính phủ đã lên trên 8 năm. Từ đầu năm đến nay, các khoản vay này có kỳ hạn vay trên 13 năm trong khi lãi suất chỉ 2,9%, là mức thấp hơn cả lãi suất vay ưu đãi và không bị tác động tỷ giá. Mức vay này cũng là điều kiện tốt để đàm phán vay quốc tế có lợi hơn.
Theo Chính phủ, nợ công năm nay ước ở mức 56,8% GDP, dưới trần 65% Quốc hội cho phép. Xét từ mức đỉnh của năm 2016 khi nợ công chiếm 63,7% GDP thì đây là kết quả rất tốt, có được nhờ sự phấn đấu, tích lũy của các năm gần đây tạo dư địa cho điều hành, trong khi vẫn đảm bảo chi đầu tư, chi an sinh xã hội.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, thì giải thích do năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chi đầu tư, chi thường xuyên đều tăng, các khoản vay đến kỳ phải trả cả gốc lẫn lãi đến cùng lúc khiến chiếc bánh nợ công “phình” ra. Trong ngắn hạn đặc biệt đến cuối năm nay, về cơ bản thì các chỉ tiêu nợ so với GDP đều được duy trì trong ngưỡng an toàn và được Quốc hội cho phép nên chưa có gì đáng lo ngại. Trong 5 – 7 năm tới, nợ công cũng chưa phải là áp lực lớn của Việt Nam. Các khoản nợ công, lãi vay đã thay đổi liên tục, cơ cấu các khoản vay cũng được thay đổi đáng kể và đến nay có mức lãi thấp, chấp nhận được và không còn cao như 10 năm trước, khi các khoản nợ thế giới của Việt Nam đến kỳ hạn đáo hạn. Sau khi trả được các khoản vay này, tái cơ cấu nợ thì áp lực trả nợ gốc sẽ giảm rất nhiều hoặc nếu có chỉ xảy ra một vài năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng do Việt Nam thay đổi cách tính GDP, nên tỷ lệ nợ công trên chỉ tiêu này giảm xuống. Thế nhưng, con số tuyệt đối lại gia tăng mạnh. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định sang năm 2021, khi áp dụng cách tính GDP mới thì tỷ lệ nợ công sẽ giảm mạnh chỉ còn khoảng 45 – 46% GDP. Thế nhưng, giá trị tuyệt đối của nợ công vẫn đang tăng nhanh và tỷ lệ nợ công trên mức thu ngân sách nhà nước cũng tăng nhanh. Điều đó dẫn đến gánh nặng trả nợ hằng năm của Chính phủ và phá vỡ chính sách thu chi của quốc gia.
Nợ phải trả vượt quá ngưỡng cho phép
Dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng số tiền vay trả nợ gốc, đáo hạn, bù bội chi lại đang tăng nhanh. Nếu như năm 2017, nợ phải trả 144.000 tỉ đồng thì đến năm nay con số phải trả nợ cả gốc lẫn lãi lên hơn gấp đôi, khoảng trên 318.000 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2020, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/xuất khẩu là 34,6%, vượt gần 10% so với mức trần 25% mà Quốc hội cho phép. Đây là một chỉ số mà Chính phủ cũng cho rằng “cần có biện pháp để kiểm soát chỉ tiêu này”.
Đồng thời, dự kiến đến hết năm 2020, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 24,1% và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP. Bước sang năm 2021, dự kiến chi trả nợ trực tiếp hơn 368.000 tỉ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách, cũng cao hơn mức trần cho phép.
Ngoài ra, theo dự toán phân bổ ngân sách năm 2021 trình Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỉ đồng để cân đối ngân sách trung ương bao gồm các khoản vay bù đắp bội chi ngân sách khoảng 318.870 tỉ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách khoảng 260.902 tỉ đồng. Như vậy Chính phủ phải đi vay bù đắp bội chi ngân sách, đồng thời phải vay để có tiền trả nợ gốc và số tiền vay năm sau luôn cao hơn năm trước trong mấy năm qua.
TS Phạm Thế Anh nhận định do dịch bệnh và thiên tai bão lũ, năm nay có thể chấp nhận tỷ lệ nợ phải trả tăng cao. Nhưng dự kiến từ năm tới, tỷ lệ nợ phải trả trên số thu ngân sách nhà nước lên hơn 27% là một con số gây lo lắng và cần phải được khống chế. Vì vậy, không thể nhìn vào tỷ lệ nợ công theo con số GDP nữa. Thước đo nợ công phải dựa vào tỷ lệ nợ công trên thu ngân sách. Trong giai đoạn tới, thu ngân sách của Việt Nam sẽ không thể tăng mạnh vì khó tăng thêm thuế, phí hay các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục người dân phải chi trả nhiều hơn. Vì vậy tỷ lệ trả nợ trên thu ngân sách sẽ tăng vọt.
Thực tế, nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách cũng đang tiến tới trần Quốc hội cho phép. Theo TS Phạm Thế Anh, trong nợ công hiện nay, tỷ lệ nợ nước ngoài đã giảm xuống còn dưới 50% so với mức hơn 70% của gần 10 năm trước và nợ trong nước gia tăng. Vay nợ nước ngoài có rủi ro chủ yếu về tỷ giá, nhưng gần đây khi chuyển sang vay thương mại nhiều hơn vay ưu đãi thì lãi suất tăng lên 6-7%/năm nên vay trong nước sẽ có chi phí thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, nếu Chính phủ vay nợ trong nước quá nhiều thì lượng vốn trong nền kinh tế mà khối doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận được lại ít đi. Từ đó khiến cho thị trường lãi suất khó giảm đồng thời cũng góp phần gia tăng lạm phát. Vì vậy quan trọng nhất là phải giám sát chặt về việc chi để kéo giảm nợ công.
Còn TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, dự báo xu hướng trong 2 năm tới, nợ công chắc chắn sẽ tăng song vẫn dưới mức trần 65% GDP cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, quan trọng là phải kiểm soát độ tăng ở mức chấp nhận được để không tăng phi mã.
|
Cắt giảm bộ máy hành chính để giảm chi
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, cho rằng chi thường xuyên ở mức trên 60% là quá cao, chủ yếu vẫn là chi cho lương và chi đầu tư công. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, muốn “kéo” chi tiêu thường xuyên về bằng hình thức giảm lương là điều không thể. Tuy nhiên, trong dài hạn phải tính tới tinh giản bộ máy, cắt giảm nhân sự để giảm nguồn chi thường xuyên. Đó là giải pháp dài hạn và căn cơ nhất.
TS Phạm Thế Anh cũng nhấn mạnh chúng ta mất 1/4 tổng thu ngân sách chỉ để trả nợ gốc và lãi hằng năm thì sẽ không còn vốn để phát triển. Vì vậy, quan trọng nhất là cải cách hệ thống ngân sách phải được ưu tiên hàng đầu. Việc đó phải gắn liền với việc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy công quyền. Ngoài việc phải mạnh tay và rất quyết liệt để cắt giảm chi thường xuyên, cũng phải cắt giảm các khoản chi đầu tư công theo kiểu dàn trải ở các địa phương.
“Kiên quyết cắt giảm những khoản đầu tư công linh tinh như nhà lưu niệm, tượng đài mà để vốn tập trung phân bổ theo nhu cầu thiết thực của các địa phương hay bộ ngành, không phân bổ dàn trải mỗi nơi một ít. Quan trọng nhất là phải làm quyết liệt, không hô hào và bắt đầu từ các bộ ngành, cơ quan trung ương để các địa phương phải làm theo. Nhu cầu đầu tư phát triển của Việt Nam vẫn rất lớn. Nếu vẫn để bộ máy công quyền cồng kềnh thì không thể giảm được chi thường xuyên và từ đó vẫn cứ mãi phải đi vay để bù chi, để trả nợ cũ…”, TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO