23/11/2024

Người thầy cần làm gì để được kính trọng, yêu thương?

Người thầy cần làm gì để được kính trọng, yêu thương?

Làm giáo dục, có 4 điều sau đây mà người thầy luôn luôn học tập, trau dồi để học trò yêu thương và kính trọng.
Giáo viên luôn trau dồi để có những bài giảng tốt nhất cho học trò /// Nam Phương
Giáo viên luôn trau dồi để có những bài giảng tốt nhất cho học trò NAM PHƯƠNG

Làm thầy là phải có kiến thức

Kiến thức sư phạm, kiến thức giáo dục học và chuyên môn là tri thức căn bản mà người thầy được lĩnh hội trong nhà trường cùng sự quan sát, tích lũy trong xã hội theo lãnh vực nghề nghiệp của mình. Mở rộng ra là trí thức về giáo dục thế giới. Trong trường sư phạm, các thầy luôn nói sinh viên rằng người thầy phải biết 10 để dạy 1. Nắm vững chương trình, mỗi bài dạy, phải là người biết chọn lọc, thêm vào chỗ này, bỏ bớt phần kia để đưa kiến thức đến học sinh hiểu biết dễ dàng và hấp dẫn. Học sinh nhận kiến thức từ bài học và từ kiến thức trở thành kỹ năng thực hành.

Thầy cũng như đầu bếp, coi sách giáo khoa là nguyên liệu, phải biết chế biến, thêm gia vị, theo giờ giấc, khi nào đúng mức để thành món ngon. Khi học sinh tiếp thu dễ dàng, ngon lành và biến thành năng lượng nuôi dưỡng, bồi bổ cơ thể khỏe mạnh, khôn lớn. Học để hành, không phải để có điểm trong khi cơ thể vẫn ốm yếu.

Nhà quản lý còn đòi hỏi cao hơn, phải biết đến 20 vì phải hơn các thầy về kiến thức và còn đó là trách nhiệm làm đầu tàu dẫn dắt hội đồng sư phạm giáo dục và dạy dỗ học sinh nên người. Nhà quản lý như bếp trưởng, tạo mọi điều kiện tốt nhất, trang bị đầy đủ nguyên liệu, phương tiện, không gian cho các đầu bếp chế biến thức ăn ngon.

Một ngôi trường nổi tiếng vì học trò được học được thầy cô giỏi và hiệu trưởng tốt. Tất cả vì học sinh vì sự trưởng thành của các em khi bước ra khỏi mái trường.

Thầy phải có tính khoa học

Nền tảng của giáo dục là tính khoa học. Việc xây dựng, sắp xếp các vị trí đều có tính giáo dục. “Một viên gạch trong trường cũng mang sứ mạng giáo dục”, vậy nên các vị trí từ lớp học, nhà vệ sinh, bếp ăn, phòng ăn, văn phòng, nơi tiếp phụ huynh đến các vật dụng phục vụ công việc giáo dục phải được sắp xếp cho ngăn nắp, tiện lợi, trật tự. Điều hành và quản trị thì sổ sách, tài chánh, thi đua, khen thưởng phải minh bạch rõ ràng. Từ đó giáo viên tin ban giám hiệu, học sinh tin tưởng thầy cô và xã hội tin vào nhà trường.

Nét đẹp sư phạm

Giáo dục phải bắt đầu từ cái đẹp. Đẹp từ tính cách từ lời ăn tiếng nói cho đến bài giảng. Từ cổng trường cho đến lớp học thấy nét sư phạm trang nghiêm nhưng thân thiện trong cách trang trí , đến cảnh quan với màu sắc hài hòa đơn giản. Nét đẹp sư phạm không phải do trường to hay nhỏ mà đó được coi là ngôi đền của trí tuệ. Mỗi ngày đến trường, trong khuôn viên mang đậm chất giáo dục thẩm mỹ đó. Thầy và trò được hạnh phúc dạy và học bao điều hay về khoa học, về lẽ phải của con người. Bởi cái đẹp của môi trường sư phạm luôn nhắc nhở và tác động đến ngôn ngữ cử chỉ của con người. Thái độ, cử chỉ người thầy sẽ truyền đến học trò đang thụ hưởng các tinh hoa cao đẹp. Tình thầy trò nghiêm trang mà thân thiện, tình bạn dưới mái học đường tranh đua học tập mà biết nương đỡ, dắt dìu nhau tiến bộ, biết yêu thương san sẻ, ấm áp chan hòa mà mãi sau này khi trưởng thành cũng luôn nhớ thời học sinh vui vẻ, tốt đẹp.

Người thầy cần làm gì để được kính trọng, yêu thương? - ảnh 1

Tâm đức của người thầy

Tấm lòng yêu thương và phẩm chất đạo đức của người thầy hết sức quan trọng mà người giáo viên phải luôn mang theo trong nghề nghiệp của mình. Khi chọn ngành sư phạm, người học làm thầy luôn ý thức rằng dạy học trước hết bằng tấm lòng yêu thương và nêu cao đức sáng để học sinh học tập làm con người tốt. Người thầy tâm tốt, đức sáng có tấm lòng bao dung, độ lượng, biết che chở và tha thứ lỗi lầm của học trò, biết lắng nghe các thân phận bất hạnh để dìu dắt các em, biết chia sẻ và sưởi ấm học trò. Đó là tấm gương sẽ soi rọi cho học sinh làm người tốt trong xã hội.

Nhà quản lý tâm đức càng phải sáng ngời. Nhà quản lý là người chỉ đạo dẫn đường, dù bằng phẳng hay gập ghềnh sóng gió luôn vững vàng để các thầy cô yên tâm dạy dỗ. Luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để học trò được học, được vui chơi.

Trong lịch sử giáo dục có nhiều người thầy đã giúp cho học trò thành danh vì tấm lòng và đạo đức của mình. Nhà trường luôn là môi trường giáo dục đầy tình thương, tương trợ, giúp đỡ nhau, bảo ban khuyên nhủ nhau cho tiếng cười hạnh phúc vang lên với tiếng giảng bài.

LÊ NGỌC ĐIỆP

TNO