Tại sao nắp bình xăng sản xuất ở Việt Nam đắt hơn 2 lần so với Thái Lan?
Tại sao nắp bình xăng sản xuất ở Việt Nam đắt hơn 2 lần so với Thái Lan?
Lý giải ngành sản xuất linh kiện phụ trợ nói chung và cho ôtô chưa ‘lớn’ được, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam lấy ví dụ giá nắp bình xăng của Thái Lan chỉ 1,5 USD/ chiếc, trong khi giá sản xuất tại Việt Nam 3,8 USD.
Một chiếc xe có khoảng 30.000 linh kiện. Nếu chỉ mua một nửa linh kiện được sản xuất trong nước thì giá thành sản xuất xe sẽ đội lên rất cao. Đây là thực tế
Ông NGUYỄN TRUNG HIẾU
Phát biểu tại tọa đàm Chính sách thuế và vai trò Hải quan thúc đẩy công nghiệp ôtô Việt Nam được tổ chức hôm 3-11, ông Nguyễn Trung Hiếu, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho biết nắp bình xăng của Thái Lan chỉ 1,5 USD/cái, trong khi cũng sản phẩm này sản xuất ở Việt Nam có giá 3,8 USD.
Theo ông Hiếu, chi phí sản xuất ôtô ở Việt Nam có giá xuất xưởng cao hơn 10 – 20% so với xe tương tự được sản xuất ở Thái Lan nên đây là điều các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước cân nhắc phải đầu tư như thế nào cho hiệu quả giữa việc nhập xe hay sản xuất lắp ráp.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá thành linh kiện ôtô sản xuất trong cao hơn linh kiện nhập khẩu, theo ông Lê Dương Quang – chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, là do sản lượng thấp, nguyên liệu phải nhập ở nước ngoài… Bên cạnh đó, chi phí lãi suất mà doanh nghiệp trong nước đang trả cao gấp 4 – 5 lần so với mức của các doanh nghiệp nước ngoài.
Để khuyến khích ngành công nghiệp ôtô phát triển, ông Quang cho rằng chính sách thuế rất quan trọng và đề nghị chính sách thuế phải có tính ổn định lâu dài nhằm khuyến khích doanh nghiệp xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, nếu không các nhà sản xuất linh kiện trong nước chỉ dám đầu tư theo kiểu “ăn xổi”.
Bên cạnh đó, chính sách thuế cũng phải khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn để sản xuất xuất khẩu phụ tùng, linh kiện và dần trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị của ngành ôtô khu vực và thế giới.
Riêng đối với ngành ôtô, có một số loại vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được, thậm chí không thể sản xuất được do tính chuyên môn hóa cao như vòng bi, một số linh kiện điện tử… Vì vậy, những vật tư này nên được hưởng thuế nhập khẩu 0% hoặc ở mức rất thấp mang tính tượng trưng trong một thời gian dài.
Ông Quang cũng cho rằng Bộ Tài chính phải tiếp tục nghiên cứu về việc xem xét mở rộng đối tượng được áp dụng thuế nhập khẩu 0%.
Theo quy định hiện nay, đối tượng được hưởng thuế nhập khẩu 0% là doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp lắp ráp ôtô được Bộ Công thương công nhận. Vậy trường hợp sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ôtô, sản xuất phụ tùng, linh kiện xuất khẩu thì sao…
Nhằm hỗ trợ lâu dài cho ngành công nghiệp ôtô, bà Nguyễn Thu Trang, Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã ban hành chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện vật tư trong nước chưa sản xuất được để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp ôtô.
Thực tế, qua hơn 2 năm triển khai, ông Lưu Mạnh Tưởng – phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – cho biết có 13 được hưởng ưu đãi của chính sách này với tổng số thuế đã hoàn lên tới 9.500 tỉ đồng.
Số liệu các doanh nghiệp tham gia chương trình báo cáo có số thuế nộp tăng như năm 2018 7.500 tỉ đồng và năm 2019 khoảng 4.000 tỉ đồng.
Tỉ lệ sở hữu ôtô tại Việt Nam: 23 xe/1.000 người dân
Trao đổi tại tọa đàm, đại diện bộ Công thương cho biết dự kiến nhu cầu tiêu thụ ôtô sẽ bùng nổ trong năm 2025. Bởi Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu – khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân.
Thực tế, thị trường ôtô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng rất tốt, nhất là xe con dưới 9 chỗ có mức tăng 20-30%/ năm. Xu thế ôtô hóa sẽ diễn ra trong thời gian gần đây khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1000 dân đạt 50 xe. Hiện tỉ lệ sở hữu ôtô tại Việt Nam 23 xe/1.000 dân.