Doanh nghiệp kêu cứu vì khẩu trang nhái, giả
Doanh nghiệp kêu cứu vì khẩu trang nhái, giả
Nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế đang đau đầu vì “hàng làm ra đến đâu bị nhái, giả đến đó”.
Đây là nguy cơ lớn cho người tiêu dùng, khi dịch COVID-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp.
Lãi khủng nhờ hàng nhái, giả
Tìm mua khẩu trang tại một cửa hàng thuốc tây ở quận 12 (TP.HCM), chúng tôi phát hiện địa chỉ này bày bán nhiều khẩu trang vải diệt khuẩn hiệu Select với giá 20.000 – 25.000 đồng/gói 3 cái, và người bán khẳng định hàng chính hãng. Tuy nhiên, khi yêu cầu xem giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì người bán “ú ớ”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Saigon Co.op (đơn vị sở hữu thương hiệu này) cho biết dòng khẩu trang trên in logo độc quyền và hầu hết sản phẩm chỉ kinh doanh trong hệ thống Saigon Co.op, trường hợp xuất bán thì kèm theo chứng từ liên quan để truy xuất nhưng số lượng hàng này rất ít.
“Dù hình thức và giá bán tương đồng với sản phẩm chính hiệu nhưng chúng tôi khẳng định sản phẩm trên không phải hàng Select. Đó có thể là hàng nhái, giả và cửa hàng này ngưng bán ngay sau đó”, vị đại diện này khẳng định. Cũng theo vị này, đây không phải trường hợp duy nhất, bởi thời gian qua Saigon Co.op nhận được các phản ánh về tình trạng khẩu trang Select bị làm nhái, giả.
Trong khi đó, là đơn vị sản xuất khẩu trang lâu năm, bà Ngô Diệu Thủy – tổng giám đốc Công ty cổ phần Tầm Nhìn Mới (TP.HCM) – bức xúc bởi phải sống chung với nạn hàng nhái, giả nhiều năm qua, đặc biệt dịch COVID-19 xuất hiện thì càng nhiều hàng nhái, giả sản phẩm công ty bày bán tại các đại lý, quầy thuốc. Trong đó, hiện thương hiệu bị làm nhái, giả nhiều nhất là khẩu trang vải Neo Mask (khẩu trang than hoạt tính cao cấp).
“Đơn vị bán sỉ cho đại lý 23.000 đồng/cái, nhưng nhiều đại lý nhập hàng nhái, giả với giá chỉ hơn 10.000 đồng và bán ra 25.000 đồng/cái. Lợi nhuận quá lớn khi bán hàng nhái, giả khiến nhiều đại lý biết sai vẫn tiếp tay”, bà Thủy bức xúc.
Ông Tôn Thất Thịnh – giám đốc Công ty Quang Thịnh (TP.HCM) – cho biết thời điểm này dù vấn nạn làm nhái, giả khẩu trang giảm so với đợt đầu năm khi bùng phát dịch COVID-19 nhưng từ khẩu trang vải đến khẩu trang y tế của đơn vị hiện đều bị làm nhái, giả.
Theo nhiều doanh nghiệp, ngoài chào hàng mức giá khá rẻ, đối tượng kinh doanh hàng nhái, giả luôn có đất sống nhờ các chiêu trò để thuyết phục khách như giới thiệu hàng nhái, giả là hàng tồn kho hoặc hàng loại 2 của công ty, dù hàng chính hãng không hề có dòng sản phẩm này.
Thay đổi liên tục nhưng “đâu vào đấy”
Theo đại diện Công ty Tầm Nhìn Mới, để tránh bị làm giả, nhái, thời gian qua đơn vị đổ tiền vào để nâng cấp chất lượng, dấu hiệu nhận biết như thay đổi bao bì, in nổi logo trên mặt vải, tăng cường giám sát đại lý… Tuy vậy, cứ 1-2 tháng sau khi mẫu mới xuất xưởng là hàng nhái, giả lại có mặt trên thị trường khiến doanh nghiệp tổn thất nặng.
“Nạn hàng nhái, giả có thể làm giảm 30% doanh số, khiến đơn vị thiệt hại hàng chục tỉ đồng/năm”, bà Thủy tính.
Trong khi đó, đại diện một công ty chuyên phân phối khẩu trang tại TP.HCM “bật mí”: hàng nhái, giả được đối tượng sản xuất bán ra có giá bằng phân nửa hàng thật, thậm chí chỉ bằng 30%. “Nhiều quầy thuốc không lấy hàng chính hãng vì sợ cạnh tranh không lại hàng nhái, giả giá rẻ, thậm chí họ chuyển qua bán hàng kém chất lượng vì quá lời”, vị này đặt vấn đề và cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc để khẳng định.
Theo đại diện Saigon Co.op, để thương hiệu khẩu trang ra thị trường, nhà sản xuất phải đầu tư thiết kế, in ấn mẫu để sản xuất lượng lớn, đăng ký chất lượng với cơ quan chức năng… Do vậy, mỗi lần thay đổi để chống lại nạn hàng nhái, giả, doanh nghiệp rất tốn công sức.
Quy định chưa sát
Theo nhiều doanh nghiệp, các giải pháp chống hàng khẩu trang nhái, giả gặp khó khăn vì dịch COVID-19 nên nguồn cung sản phẩm này đa dạng, đối tượng làm giả tinh vi. Do đó, vai trò chính nằm ở cơ quan chức năng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, bà Phan Thị Việt Thu – chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM – cho rằng pháp luật chưa sát thực tế cũng khiến doanh nghiệp gặp khó.
“Để xử lý được hàng giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định cũng gây nhiều hạn chế trong việc xử lý”, bà Thu nói.
Dù nghị định 98/2020 tăng chế tài so với trước nhưng theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, nhiều vụ án sản xuất, kinh doanh khẩu trang nhái, giả hiện phần lớn chỉ rơi vào khung phạt hành chính mức từ vài triệu đến vài chục triệu mỗi vụ, đồng thời tiêu hủy hàng vi phạm nên chưa đủ tính răn đe.
“Mỗi chuyến hàng khẩu trang nhái, giả có thể lãi hàng trăm triệu đồng. Do đó cần phải tăng mạnh mức phạt, điều kiện để khởi tố các vụ án cần được nới lỏng hơn”, vị này đề nghị.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Tùng – cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, những người kinh doanh khẩu trang nhái, giả thường cất hàng không phải tại quầy thuốc nên không dễ để bắt quả tang. Ngoài ra, họ thường thuê địa điểm sản xuất, thậm chí sản xuất trong nhà thì khó kiểm tra bởi vướng “lệnh khám nhà”. Do đó, nếu quy định pháp luật không sát thực tế, việc xác định hành vi vi phạm và áp dụng chế tài đối với người vi phạm không dễ.
Thu giữ hàng triệu khẩu trang nhái, giả, không rõ nguồn gốc
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về khẩu trang và thiết bị y tế. Cụ thể tính đến ngày
30-9, Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 294 vụ với tổng số tiền xử lý 1,9 tỉ đồng, trong đó tạm giữ hơn 3 triệu chiếc khẩu trang chủ yếu là hàng nhái, giả, không chứng từ; tạm giữ 13.341 sản phẩm dung dịch rửa tay sát trùng, hàng chục tấn găng tay y tế, hàng nghìn bộ quần áo phòng dịch…
Tương tự, thời gian qua tại TP.HCM, bên cạnh hàng chục tấn găng tay tái chế, cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng khẩu trang nhái, giả không rõ nguồn gốc với tổng số hàng tạm giữ lên đến hàng triệu chiếc.
Tuy vậy, theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, do lợi nhuận lớn nên tình trạng sản xuất, kinh doanh khẩu trang nhái, giả vẫn còn xuất hiện. Do đó, thời gian tới sẽ tăng mạnh hoạt động thanh kiểm tra mặt hàng phòng chống dịch, trọng điểm là khẩu trang.
Nguy hại khẩu trang “dỏm”
Bà Trần Nguyễn Ái Thanh – trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) – cho biết bụi, bụi mịn, khói, mùi độc hại, giọt bắn… đều có thể xâm nhập đường thở, gây bệnh về hô hấp. Đeo khẩu trang đúng tiêu chuẩn có tác dụng ngăn ngừa và phòng tránh những tác hại này. “Trong khi đó, khẩu trang dỏm thường sử dụng vật liệu vải kém chất lượng, không có chức năng kháng bụi, khuẩn, thậm chí những hạt bụi từ vải này xâm nhập đường thở sẽ gây nên nhiều bệnh hô hấp”, bà Thanh khẳng định.
Theo nhiều doanh nghiệp, khẩu trang giả, nhái khiến người dân có phòng ngừa COVID-19 cũng có nguy cơ bị nhiễm, đe dọa cộng đồng. Người mua cần đến các hệ thống uy tín hoặc tìm hiểu thông tin một số trang web của các doanh nghiệp sản xuất với hệ thống phân phối được công khai… để tránh mua phải hàng giả, nhái.
Nhiều doanh nghiệp khẳng định dòng khẩu trang chính hãng hầu hết không sản xuất sản phẩm chất lượng loại 2, hạn chế bán sản phẩm tồn kho, nên khi có người giới thiệu 2 dạng hàng này với giá rẻ thì người mua cần cảnh giác.