23/12/2024

Nước Pháp và Hồi giáo

Nước Pháp và Hồi giáo

Nói cho đúng ra, nhiều quốc gia ở châu Âu đã gặp vấn đề liên quan tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng với nước Pháp, câu chuyện lần này đã vượt ra khỏi biên giới.

 

Nước Pháp và Hồi giáo - Ảnh 1.

Những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa nhập từ Pháp dán trong siêu thị ở thủ đô Sanaa, Yemen – Ảnh: Reuters

Những cuộc biểu tình chống nước Pháp, chống Tổng thống Emmanuel Macron, kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp, thậm chí là trừng phạt nước Pháp vẫn còn rải rác ở một số quốc gia Hồi giáo. Bộ Ngoại giao Pháp cũng phát đi thông cáo với công dân của mình sinh sống ở những quốc gia Hồi giáo đang có các cuộc biểu tình, kêu gọi thận trọng tự bảo vệ bản thân.

Sự phẫn nộ của cộng đồng Hồi giáo tại nhiều nước trên thế giới đã được thổi bùng nhanh chóng từ sau những phát ngôn của ông Macron khi dự đám tang thầy giáo dạy lịch sử Samuel Paty bị sát hại dã man, sau khi cho học sinh xem các bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed.

Trong buổi lễ tang ngày 22-10 hôm đó, ông Macron được cho là có “tuyên bố ủng hộ” việc tiếp tục đăng tranh biếm họa và khẳng định không bao giờ nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trong nhiều ngày qua, tổng thống Pháp đã có cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Al Jazeera dài 55 phút, phát sóng bằng tiếng Ả Rập vào chiều 31-10. Đây được xem là cách để nhà lãnh đạo Pháp giãi bày với thế giới Ả Rập, làm rõ về các phát ngôn của ông hơn một tuần trước.

Nhiều chuyên gia cho rằng đây là cách làm dịu với thế giới Hồi giáo, bởi đài truyền hình của Qatar rất được cộng đồng Ả Rập theo dõi (hơn 25 triệu người xem) và trong vài ngày vừa qua đã đưa tin khá đậm về các vụ việc chống lại nước Pháp.

Mở đầu cuộc trả lời phỏng vấn từ Pháp, ông Macron đã tìm cách nhấn mạnh rằng nước Pháp “không có chút vấn đề nào với Hồi giáo” và người Hồi giáo có quyền tự do hành đạo tại Pháp. Quyền tự do tôn giáo cũng được tôn trọng như quyền tự do ngôn luận tại Pháp.

Ông cũng khẳng định lại quyết tâm chống chủ nghĩa khủng bố trên lãnh thổ quốc gia và giải thích rằng ngôn từ của ông về chuyện này cũng như về các biếm họa đã bị “bóp méo”, “bị đẩy ra khỏi ngữ cảnh” để dẫn đến hiểu lầm.

Vị nguyên thủ của Pháp cho biết ông hiểu rằng những bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi có thể gây sốc, đồng thời cũng tôn trọng cảm xúc liên quan đến vấn đề này, song không bao giờ chấp nhận đó là lý do biện minh cho hành vi bạo lực.

Ông phản đối cách đưa tin của nhiều hãng truyền thông, hay phát biểu của nhiều lãnh đạo chính trị về tranh biếm họa đấng tiên tri Mohammed, có thể gây hiểu lầm rằng chúng là dự án hay sản phẩm của chính phủ hay tổng thống Pháp. Theo ông, việc đăng tải biếm họa là chuyện của một số cơ quan truyền thông tư nhân ở Pháp và không phản ánh quan điểm chính thức của chính quyền.

Ông Macron cũng đã chỉ trích những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp, cho rằng đây là chiến dịch của một số nhóm tư nhân dựa trên những lời nói dối về tranh biếm họa.

Câu chuyện chống nước Pháp lần này của cộng đồng Hồi giáo chắc phải mất một thời gian nữa mới được giải quyết, bởi quan điểm tự do ngôn luận ở các quốc gia châu Âu đã không ít lần thổi bùng những làn sóng biểu tình, thậm chí có màu sắc bạo lực của cộng đồng Hồi giáo.

Tôi cũng hiểu tình thế sẽ rất khó xử bởi một số cộng đồng nhập cư có những dị biệt văn hóa rất đậm nét, thậm chí được cho là cực đoan dưới mắt người dân sở tại. Một người bạn Pháp của tôi từng phàn nàn về chuyện quán cà phê quen thuộc ở khu phố của anh bị “xóa sổ” vì được chủ người Ả Rập mua lại và chỉ bán thực phẩm kiểu Ả Rập theo đúng cách Ả Rập mà người Pháp không thể sử dụng được.

“Tại sao họ đến đất nước tôi mà lại sử dụng kiểu luật lệ, văn hóa riêng biệt của họ?”, anh bạn đặt câu hỏi.

Tôi thì hiểu những “sóng ngầm dị biệt” này sẽ còn lâu lắm mới có thể được hóa giải.

Các cuộc tấn công khủng bố có màu sắc Hồi giáo cực đoan đã quay lại nước Pháp trong hai tháng gần đây. Ngày 29-10, một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại nhà thờ Notre Dame ở thành phố Nice. Đây là vụ thứ ba trong hai tháng.

Sau vụ tấn công này, Pháp đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất và lực lượng chống khủng bố Sentinelle đã được tăng quân số hơn gấp đôi, từ 3.000 người lên 7.000 người, để bảo vệ các công trình công cộng, cơ quan dịch vụ công cũng như các địa điểm tôn giáo.

LONG THẢO (từ Paris)
TTO