Hiệp hội Kinh doanh hàng hoá quá cảnh kêu cứu
Hiệp hội Kinh doanh hàng hoá quá cảnh kêu cứu
Hiệp hội Kinh doanh hàng hoá quá cảnh Việt Nam – ASEAN tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản gửi Chính phủ, các bộ ngành liên quan đến hành vi xử phạt vi phạm hành chính của hải quan cửa khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng.
Theo đó, hiệp hội này cho hay số container quá cảnh từ Trung Quốc đi Việt Nam sang các nước ASEAN và ngược lại đạt trung bình 3.000 container mỗi tháng. Để chuyên chở được phải huy động trên 1.000 xe đầu kéo, 2.000 lái xe chuyên nghiệp với mức phí, lệ phí quá cảnh trung bình là 5,5 triệu đồng/xe.
Tuy vậy, kể từ tháng 7-2018 đến nay, cơ quan hải quan kiểm tra tất cả lô hàng quá cảnh. Điều bất thường theo hiệp hội này là việc kiểm tra được tiến hành ngay sau khi doanh nghiệp quá cảnh vừa nhận hàng từ phương tiện vận tải của chủ hàng nước ngoài chuyển qua doanh nghiệp quá cảnh, nằm trong khu vực giám sát của hải quan cửa khẩu, có sự chứng kiến, giám sát của cán bộ hải quan, được kẹp chì niêm phong.
Kiểm tra thực tế có container bị phát hiện vi phạm nhưng cũng có nhiều container không phát hiện vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu là không khai tên hàng hóa, số lượng hàng hóa quá cảnh và quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Đáng chú ý, quá trình kiểm tra hàng bị dỡ niêm phong kiểm tra bằng công thức thủ công trực tiếp, không sử dụng công nghệ, máy móc soi chiếu nên thời gian kiểm tra kéo dài. Hàng bị mất, lấy trộm do thiếu nhân lực giám sát, hàng bị hỏng hoặc bao bì không còn nguyên vẹn. Có trường hợp kiểm tra xong xếp hàng lên container bị thừa nên hải quan các nước nghi ngờ doanh nghiệp buôn lậu, xử phạt với chi phí lớn.
Việc này theo hiệp hội, làm ảnh hưởng uy tín, hạn chế sự phát triển doanh nghiệp quá cảnh, logistics. Đồng thời chịu sức ép lớn từ phía chủ hàng nước ngoài, không trả tiền thuê vận chuyển hoặc phải bồi thường thiệt hại, dẫn tới nhiều doanh nghiệp có thể phá sản.
Theo quan điểm của hiệp hội, việc kiểm tra hàng hóa của cơ quan hải quan là không rõ ràng, được áp dụng tùy tiện, không phù hợp với quy định pháp luật.
Trong khi đó, các hành vi xử lý vi phạm hành chính được nêu trên theo hiệp hội là không đúng đối tượng vi phạm, không phù hợp với quy định pháp luật, vì đơn vị chịu trách nhiệm chính phải là các chủ hàng.
Doanh nghiệp quá cảnh kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan cho phép hàng hóa quá cảnh còn nguyên niêm phong hải quan được miễn kiểm tra thực tế, chỉ tiến hành kiểm tra trong trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.
Ngoài ra đơn vị trên cũng kiến nghị dừng xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến các hành vi vi phạm trên, nếu hàng hóa còn nguyên niêm phong hải quan.
Tiến tới sửa đổi quy định liên quan không còn phù hợp như ban hành tiêu chí rõ ràng để xác định “dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan” để làm căn cứ kiểm tra thực tế.