24/11/2024

Cảnh giác dịch bệnh sau lũ

Cảnh giác dịch bệnh sau lũ

Sau lũ, nếu không chú ý sẽ bùng phát các dịch lây qua nguồn nước như dịch tả, tiêu chảy cấp, thương hàn, viêm gan A, viêm gan E, viêm kết mạc, và các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết…

 

Cảnh giác dịch bệnh sau lũ - Ảnh 1.

Bộ đội dọn bùn trên đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Huế sau lũ – Ảnh: NAM ANH

“Nhiều trạm y tế, bệnh viện huyện bị ngập, bị cô lập, trước mắt Bộ Y tế đã cấp ngay cho Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi tỉnh 50 cơ số thuốc phòng chống dịch và 7 tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng lũ lụt mỗi tỉnh 700.000 viên sát khuẩn nước” – ông Nguyễn Công Sinh, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho hay.

So với nhu cầu, số thuốc mà các tỉnh được cấp vẫn còn là ít ỏi. Bởi sau lũ luôn có dịch bệnh rình rập, đặc biệt là các bệnh ngoài da, tiêu hóa, đau mắt…

Chị Thái Thị Linh (quê Quảng Trị) cho hay trong những ngày lũ cao, ngoài lương thực, thực phẩm, bà con bị chứng “nước ăn chân” gây ngứa ngáy, mụn nước ngoài da, nhiều người bị cảm cúm do mưa lạnh kéo dài.

Sau lũ sẽ bùng dịch bệnh

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết sau lũ nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường nước, bệnh lây từ động vật sang người, ngộ độc thực phẩm rất cao. Bác sĩ Đạt cũng cho hay dịch bệnh có thể xuất hiện ngay trong lũ, thậm chí kéo dài đến 1 tháng sau khi nước rút.

Trong thời gian này, nếu không chú ý sẽ bùng phát các dịch lây qua nguồn nước như dịch tả, tiêu chảy cấp, thương hàn, viêm gan A, viêm gan E, tiêu chảy do rota virus, bệnh viêm kết mạc, bệnh lý do nhiễm trùng vết thương. Thậm chí bệnh lý liên quan đến bệnh lý do đám đông tập trung khi tránh trú mưa bão.

“Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết lẫn vào nước sông, suối, ao hồ. Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy dẫn đến thiếu nước sạch sinh hoạt, khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, dẫn đến lan truyền mầm bệnh”- Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết.

Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ có thể dùng biện pháp làm sạch nước rất đơn giản: lọc trong nước bằng vải sạch hoặc phèn chua, rồi sát khuẩn nước bằng chloramine B hoặc viên Aquatabs 67mg; mỗi viên chloramine B 0,25mg hoặc 1 viên Aquatabs 67mg sát khuẩn được cho 20-25 lít nước.

Các bệnh cần cảnh giác

Bác sĩ Đạt chia sẻ do tập trung đông người, nhiều căn bệnh lưu hành có nguy cơ xuất hiện như bệnh sởi. Lũ làm các vũng nước tù đọng cũng có thể gây các bệnh do muỗi truyền như sốt rét, sốt xuất huyết…

“Trong quá trình chạy lũ, người dân có thể va vào các vật sắc nhọn, nếu không được tiêm phòng nguy cơ dẫn đến uốn ván” – bác sĩ Đạt nói.

Sau khi lũ rút, ông Sinh cho biết Bộ Y tế sẽ cấp thêm cơ số thuốc cho các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ông Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết sẽ có đoàn hỗ trợ vùng lũ.

Ngay trong thời điểm trước mắt, bác sĩ Đạt khuyến cáo khi kêu gọi hỗ trợ cho vùng lũ, nên chú ý mô hình dịch tễ là các bệnh nhiễm trùng và chuẩn bị các thuốc ngừa tiêu chảy, thuốc sát khuẩn, thuốc hạ sốt, giảm đau, vắcxin… cho vùng lũ.

Cảnh giác dịch bệnh sau lũ - Ảnh 2.

Dữ liệu: LÊ PHAN – Đồ họa: NGỌC THÀNH

LAN ANH
TTO