24/11/2024

30 năm vẫn ì ạch cổ phần hoá, thoái vốn

30 năm vẫn ì ạch cổ phần hoá, thoái vốn

Ì ạch cổ phần hoá, chậm thoái vốn đang khiến các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ.
Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra quá chậm /// Ảnh Ngọc Thắng
Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra quá chậm   ẢNH NGỌC THẮNG
Chậm, vỡ kế hoạch
Chính phủ vừa có báo cáo số 454/BC-CP gửi tới Kỳ họp thứ 10, Quốc hội 14 (khai mạc ngày 20.10) về công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Cụ thể, theo đánh giá công tác cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam đã thực hiện được gần 30 năm, đến nay đã cổ phần hóa được trên 4.637 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ cổ phần hóa diễn ra chậm, chưa đạt kế hoạch đặt ra.
Về kết quả cổ phần hóa giai đoạn 2016 – 2020, Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10.7.2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng yêu cầu hoàn thành 128 doanh nghiệp. Đến hết tháng 9.2020 có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.644 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.234 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục Thủ tướng yêu cầu hoàn thành (đạt 28% kế hoạch).
Theo kế hoạch thì năm 2020 còn phải thực hiện cổ phần hóa 91 doanh nghiệp. Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là: TP.Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp, chiếm 14% kế hoạch; TP.HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp; Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty.
Đối với thoái vốn, lũy kế từ năm 2016 đến hết tháng 9.2020 thoái 25.669 tỉ đồng, thu về 172.917 tỉ đồng. Việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm. Ngày 29.6.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 (thay thế Quyết định số 1232/QĐ-TTg) theo đó những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn là: Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; TP.Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 28 doanh nghiệp).
30 năm vẫn ì ạch cổ phần hóa, thoái vốn - ảnh 1
Vinafood 2 gặp nhiều khó khăn, thua lỗ Ảnh Ngọc Thắng

 

30 năm vẫn ì ạch cổ phần hóa, thoái vốn - ảnh 2

Vinafood 2 gặp nhiều khó khăn, thua lỗ Ảnh Ngọc Thắng

Hình thức, tư nhân bị đẩy ra ngoài

Về “sức khỏe” của các khu vực doanh nghiệp, Chính phủ đánh giá khu vực dân doanh và các doanh nghiệp được thoái vốn, cổ phần hóa triệt để có kết quả sản xuất kinh doanh và lợi nhuận hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp khu vực nhà nước sở hữu vốn.
Đáng nói, việc cổ phần hóa xong thoái vốn chậm càng khiến doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, lỗ chỗng lỗ. Điển hình là Tổng công ty CP lương thực miền Nam (Vinafood 2). Tháng 2.2018, doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hóa với một thương vụ IPO đình đám, cổ phiếu được chào bán công khai giá 10.100 đồng/cổ phần. Với kỳ vọng vực dậy “cánh chim đầu đàn” ngành xuất khẩu lúa gạo một thời, Tập đoàn T&T của “bầu Hiển” (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T) nhập cuộc, chi 1.200 tỉ đồng mua lại 25% cổ phần của Vinafood 2. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý 2/2020 của Vinafood 2 (mã VSF), lũy kế 6 tháng, công ty mẹ của VSF lỗ 160 tỉ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Đáng nói, sau khi “chốt sổ” vào cuối năm 2018, công ty mẹ lỗ lũy kế 1.836 tỉ đồng, tính đến hết 30.6.2020 lỗ tăng lên 2.188 tỉ đồng.
Nguyên nhân chính khiến Vinafood 2 và nhiều DNNN tương tự thua lỗ do không đổi mới, tái cơ cấu, việc cổ đông tư nhân tham gia nhưng không có được tiếng nói. Hoạt động của công ty thiếu minh bạch, còn nặng về hành chính. Vì vậy, tại buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban, đề nghị tổng công ty phải sớm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khẩn trương tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2020, trong đó sớm thống nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh 2020.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Ủy ban lưu ý Vinafood 2 cần thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính; đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, cổ phần hóa phải đi vào thực chất, không thể để hình thức như vừa qua. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tiếng là bán vốn nhưng chỉ bán cho có, vẫn giữ lại phần vốn nhà nước chi phối. Các đơn vị tư nhân bỏ cả hàng nghìn tỉ đồng vào tham gia nhưng không có tiếng nói, bị cho ra khỏi cuộc chơi. Đây là nguyên nhân chính khiến tư nhân chán nản, DNNN thì hoạt động không hiệu quả, công tác cổ phần hóa và thoái vốn không đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
ANH VŨ
TNO