Trung Quốc lo lắng một ‘NATO châu Á’
Trung Quốc lo lắng một ‘NATO châu Á’
“NATO châu Á” hay “NATO Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là những cụm từ được nhắc liên tục gần đây trên truyền thông Trung Quốc.
Sự chú ý tới phiên bản NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ở châu Á tăng lên, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố việc hợp tác chiến lược giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc theo hình thức đối thoại an ninh “Bộ tứ kim cương” (QUAD) là một phần nỗ lực của Washington nhằm xây dựng một “NATO mới” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Viễn cảnh “NATO mới”
Xuất hiện tại Malaysia hôm 13-10 khi đang công du Đông Nam Á, ông Vương cảnh báo sáng kiến trên sẽ phá hoại nghiêm trọng an ninh khu vực. “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một nguy cơ an ninh lớn tiềm ẩn. Nếu được xúc tiến, nó không chỉ quay ngược dòng lịch sử mà còn đánh dấu sự bắt đầu của hiểm nguy”, ông Vương nói khi được phóng viên hỏi về chiến lược này của chính quyền Tổng thống Donald Trump – vốn được xem là nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Cảnh báo của ông Vương được đưa ra khoảng một tuần sau khi các ngoại trưởng Mỹ – Nhật – Ấn – Úc nhóm họp ở Tokyo. Tiết lộ với truyền thông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hi vọng nhóm này sẽ được thể chế hóa để “xây dựng một khuôn khổ an ninh thật sự”.
Ông Pompeo mô tả QUAD “có thể đối phó thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho tất cả chúng ta”, đồng thời cho biết các nước khác có thể tham gia mô hình này “vào thời điểm thích hợp”.
Trong nhiều năm qua, Washington tìm cách xây dựng quan hệ mạnh với nhiều đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dưới thời tổng thống Barack Obama, Lầu Năm Góc theo đuổi “an ninh mạng lưới”. Trong khi đó, thành công chính của chính quyền ông Trump là hồi sinh QUAD – lần đầu xuất hiện vào đầu thập niên 2000 nhưng sau đó suy yếu trong một thập niên.
Cây bút Bhim Bhurtel đến từ Đại học Tribhuvan (Nepal) bình luận trên báo Asia Times rằng Mỹ có định phát triển QUAD thành một hệ thống phòng thủ tập thể mà trong đó mỗi nước thành viên đồng ý bảo vệ lẫn nhau, phản ứng với bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào nhắm vào các thành viên khác giống như liên minh quân sự NATO.
Đông Nam Á là “trái tim”
Cả 4 nước Mỹ – Nhật – Ấn – Úc đều đang có nhiều căng thẳng với Trung Quốc, từ tranh chấp lãnh thổ tới thương mại. Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng đang tích cực đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà trong đó Đông Nam Á được xem là nằm ở “trái tim” của chiến lược này, theo báo South China Morning Post. Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự kiến có chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam và Indonesia trong tháng này.
Cho nên không ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Vương Nghị có chuyến công du 5 quốc gia Đông Nam Á gồm Campuchia, Malaysia, Singapore, Lào và Thái Lan từ 11 đến 15-10 nhằm đối trọng với nhóm QUAD.
Ông Vương nói rằng ASEAN và Trung Quốc nên hợp tác với nhau để ngăn sự can thiệp từ bên ngoài trong vấn đề Biển Đông. Ông thúc giục các nước “cảnh giác” trước chiến lược của Mỹ ở Biển Đông và những nơi khác trong khu vực.
Theo tờ Thời Báo Hoàn Cầu, chuyến thăm của ông Vương “sẽ giúp những nước này hiểu tốt hơn về Trung Quốc”. Còn Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời tiến sĩ Chheang Vannarith, chủ tịch Viện Tầm nhìn chiến lược ở Campuchia, bình luận “trong mắt Trung Quốc, ASEAN giữ vai trò ngày càng quan trọng với tương lai Trung Quốc”.
Việc Trung Quốc muốn các nước Đông Nam Á “hiểu tốt hơn” về mình cùng lúc các đối thủ của họ muốn đẩy mạnh chiến lược kết nối các nước trong khu vực phần nào cho thấy nỗi lo của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng để chính thức biến QUAD thành một liên minh giống NATO là rất khó, bởi vì điều kiện trước tiên là Mỹ phải thuyết phục Nhật Bản sửa hiến pháp hòa bình.
Philippines đưa dân quân ra Biển Đông
Trong lúc ông Vương Nghị đang công du Đông Nam Á, phó đô đốc hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo hôm 13-10 cho biết nước này chuẩn bị điều khoảng 240 dân quân biển tới Biển Đông với “mục đích là đối phó Trung Quốc, đối phó lực lượng dân quân biển của họ ở Biển Đông”, sau nhiều vụ ngư dân Philippines bị phía Trung Quốc quấy rối.