Cần lấy học sinh làm trung tâm
Cần lấy học sinh làm trung tâm
Cuộc tranh luận về SGK tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều đã và đang làm rõ rất nhiều điều. Có một yếu tố tôi rất chú ý, đó là lập trường, cái nhìn của các tác giả SGK và hội đồng thẩm định đối với trẻ em khi biên soạn và thẩm định sách.
Trên mặt báo và mạng xã hội có một cuộc tranh luận dữ dội xung quanh việc các ngữ liệu đưa vào có phù hợp, các từ dùng trong sách cho là phản cảm, có mang tính giáo dục không. Người chỉ trích bảo “không phù hợp”, người ủng hộ bảo “không vấn đề gì”. Sự khác biệt giữa họ không phải là sự khác biệt về phương pháp, kỹ thuật phân tích, đọc hiểu thông tin mà đó là sự khác biệt về tiêu chuẩn giá trị.
Tiêu chuẩn giá trị đó được quyết định bởi việc người ta đứng ở đâu để nhìn nhận và đánh giá. Người ta sẽ đứng ở góc độ coi trẻ em – học sinh, chủ thể sử dụng sách, chủ thể việc học ở trường và là sản phẩm cuối cùng của giáo dục để xem xét vấn đề hay nhìn nhận chúng từ lập trường, lợi ích của người lớn, những người hầu như không chịu tác động của cuốn sách và các hoạt động giáo dục có sử dụng sách?
Nếu như thừa nhận lý thuyết, quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm” khi thiết kế và tiến hành các hoạt động giáo dục cũng như xây dựng, vận hành một nền giáo dục hiện đại thì phải coi trẻ em – học sinh là đối tượng tối ưu tiên. Tất cả mọi thứ làm trong giáo dục cuối cùng đều phải được suy xét xem nó có mang lại lợi ích, sự phát triển lành mạnh cho trẻ em, học sinh hay không. Từ đó, các nội dung, phương pháp giáo dục phải được lựa chọn xuất phát từ phía các em, từ cái nhìn của các em, phản ánh cuộc sống, kinh nghiệm, hoài bão, mơ ước và thậm chí nếu cần là những trăn trở, nỗi buồn của các em.
Tuy nhiên, từ cuộc tranh luận về SGK nói trên, khi soi xét kỹ SGK người ta thấy các ngữ liệu được đưa vào sách và triết lý xuyên suốt cuốn sách chưa phản ánh rõ tư duy “lấy trẻ em – học sinh làm trung tâm”. Cuộc sống của trẻ em Việt Nam thế kỷ 21 ở đâu trong các ngữ liệu được sử dụng trong sách?
Những ngữ liệu trong sách hoặc là tóm tắt, phóng tác từ bản dịch của tác giả nước ngoài, hoặc là do tác giả tự viết nhưng nội dung của nó không dựa trên trải nghiệm, cuộc sống của học sinh. Ta sẽ thấy điều này rõ hơn khi so sánh với các SGK dạy tiếng mẹ đẻ của nước ngoài. Chẳng hạn, ở SGK của Nhật dành cho lớp 1 cho dù dạy học sinh về chữ, cách ghép vần họ vẫn đưa vào đó các giáo tài (ngữ liệu) phản ánh sinh hoạt của cuộc sống đương đại của trẻ thơ như đi dã ngoại, sử dụng thư viện…
Nhìn lại SGK tiếng Việt của Việt Nam mà cụ thể là bộ Cánh Diều (rất có thể rộng hơn là cả các bộ khác nữa), người ta không thấy bóng dáng của cuộc sống trẻ em thời hiện đại. Các em đang suy nghĩ gì, mơ ước gì, khổ đau vì điều gì, các em đang chơi ở đâu, đang học cái gì? Đấy là điều đáng lưu tâm và suy ngẫm.