24/11/2024

Quy hoạch ‘treo’ : Sở còn chờ địa phương

Quy hoạch ‘treo’ : Sở còn chờ địa phương

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM khẳng định, dù nằm trong quy hoạch gì thì quyền lợi của người dân vẫn luôn được đảm bảo, có thể tách thửa, có thể xây dựng…
Ông Huỳnh Trịnh Phong, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM /// Ảnh: Độc Lập
Ông Huỳnh Trịnh Phong, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM  ẢNH: ĐỘC LẬP
Sáng 13.10, phát biểu tại Tọa đàm “Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới” do báo Thanh Niên tổ chức, ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng quản lý thực hiện quy hoạch Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, cho biết việc rà soát quy hoạch cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ. Hàng năm, Sở đều có văn bản đốc thúc các quận, huyện thực hiện rà soát theo các quy hoạch để báo cáo.
Chẳng hạn tháng 3.2020, Sở đã có văn bản đề nghị các quận huyện rà soát quy hoạch và đến đầu tháng 10 tiếp tục có văn bản đốc thúc các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch. Sở đã có biểu mẫu chung về đất xây dựng mới và đất hỗn hợp để các quận huyện có đánh giá về các nhóm đất cụ thể. Từ đó sẽ nhìn ra các nhóm còn bất cập, tiến hành điều chỉnh.
Đối với việc lập quy hoạch, quy chuẩn quy hoạch 01/2008 không có khái niệm cụ thể về đất xây dựng mới và đất hỗn hợp nên phải đề xuất ra đất hỗn hợp dành cho các công trình xây dựng tổ hợp chung cư có chức năng thương mại… Nhà quản lý chỉ khống chế về mật độ, chiều cao hài hòa với quy hoạch chung của thành phố… Ông Huỳnh Trịnh Phong nhấn mạnh: Quyết định 60 ra đời và quan điểm của Sở Quy hoạch  Kiến trúc TP.HCM xuyên suốt là không hạn chế nếu đất có quy hoạch chức năng là đất ở. Tuy nhiên, quy hoạch đã lập rất lâu và trước đó chưa quy hoạch đầy đủ. Đất dân cư xây dựng mới nhằm để cho các nhà đầu tư nhìn bản đồ tổng thể có thể thấy được và phân kỳ đầu tư thực hiện chứ không phải hạn chế quyền lợi của người dân. Vậy để giải quyết bài toán giữa nhà lập quy hoạch, nhà quản lý và quyền lợi của người dân, nên đề xuất, hiến kế ra giải pháp cho nhà quản lý.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, cụm từ “đất ở hỗn hợp” trong Quyết định 60 không có căn cứ pháp luật nên cần được bỏ. Hàng ngàn người bị khốn khổ vì quy định này. Việc áp dụng quy định không phù hợp nếu một nền nhà có 80 – 100 m2 mà chỉ cho phép xây dựng 50% thì sao nói là đảm bảo quyền lợi của người dân?
Trả lời thắc mắc của ông Lê Hoàng Châu, ông Huỳnh Trịnh Phong khẳng định, việc quy hoạch đã lập từ rất lâu theo Luật Xây dựng. Đến năm 2013 phủ kín toàn bộ đất đô thị tại TP.HCM và thuật ngữ đất hỗn hợp và xây dựng mới đã sử dụng đến nay. Sở Quy hoạch Kiến trúc có kế hoạch tổng rà soát nhưng cần phải có con số cụ thể, trường hợp cụ thể, vị trí cụ thể để báo cáo và quận huyện phải có đề xuất để điều chỉnh vì không phải là việc của sở ngành. Quy hoạch là ý chí của người quản lý nhưng rà soát lại sau đó và đánh giá theo thực tế thì phải từ quận huyện, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ thẩm định và trình thành phố chỉnh sửa. Riêng điều kiện để tách thửa theo Quyết dịnh 60 thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM không có ý kiến hạn chế mà chỉ nêu ý kiến là không cho tách thửa với trường hợp không thuộc đất quy hoạch nhà ở mà không có khái niệm đất hỗn hợp hay đất xây dựng mới.
MAI PHƯƠNG
TNO