Armenia – Azerbaijan gây ‘tổn thất to lớn’ cho nhau bất chấp lệnh ngừng bắn
Armenia – Azerbaijan gây ‘tổn thất to lớn’ cho nhau bất chấp lệnh ngừng bắn
Azerbaijan và Armenia tiếp tục cáo buộc nhau phát động các cuộc tấn công mới trong và quanh vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh, khi thoả thuận ngừng bắn nhân đạo mới có hiệu lực chỉ 2 ngày.
Hãng tin AFP ngày 12-10 đánh giá thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh đã không thể tiếp tục có giá trị khi hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ này liên tục khai hỏa về phía nhau.
Một phóng viên AFP ở thị trấn Barda của Azerbaijan nằm không cách xa tiền tuyến cho biết đã nghe thấy tiếng nổ lớn của đạn pháo vào sáng 12-10. Ở thành phố Stepanakert thuộc vùng Nagorno-Karabakh, một phóng viên ảnh AFP nghe thấy tiếng nổ từ hướng thị trấn Hadrut.
“Các lực lượng vũ trang Armenia đã không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo. Họ liên tục tìm cách tấn công các vị trí của quân đội Azerbaijan” – Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố.
Đồng thời, phía Azerbaijan cho biết họ đã phá hủy “số lượng lớn các lực lượng của địch”, một chiếc xe tăng T-71 và 3 bệ phóng rocket đa nòng Grad.
Phía Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố Azerbaijan hiện “đang nã pháo mạnh vào phòng tuyến phía nam”. Họ cũng nói rằng “kẻ địch đã chịu tổn thất to lớn về nhân lực và thiết bị quân sự”, nhưng không nêu chi tiết.
Theo Hãng tin AFP, gần 500 người, gồm hơn 60 dân thường, đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan ở vùng Nagorno-Karabakh kể từ cuối tháng trước. Vùng Nagorno-Karabakh – nằm trong lãnh thổ Azerbaijan – có phần đông dân số là người Armenia.
Hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn dưới sự dẫn dắt của Nga hồi tuần trước và thỏa thuận này có hiệu lực từ trưa 10-10.
Họ nhất trí dừng cuộc xung đột để trao đổi tù nhân và thi thể những người thiệt mạng. Tuy nhiên, các quan chức Azerbaijan nói rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời và sẽ không ngăn được chiến dịch của họ.
Ngày 12-10, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố dự kiến không có thay đổi nào được áp dụng với hình thức hòa đàm ở vùng Nagorno-Karabakh, sau khi Azerbaijan đề xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia quá trình đàm phán.