Tờ The Star ngày 11.10 dẫn nghiên cứu vừa công bố cho thấy việc
lạm dụng mạng xã hội trong đại dịch Covid-19 là triệu chứng ban đầu của
trầm cảm và thương tổn thứ phát.
Nghiên cứu do Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) và Đại học Ký Nam (
Trung Quốc) thực hiện đã tiến hành khảo sát đối với 320 người sống tại
Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) về cách họ truy cập, chia sẻ thông tin sức khỏe với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp trên mạng xã hội.
Các nhà khoa học sử dụng thước đo tình trạng căng thẳng để đánh giá mức độ lo lắng, trầm cảm, bằng cách để những người tham gia lựa chọn các câu như “tôi cảm thấy
cuộc sống thật vô nghĩa” và “tôi hay nằm mơ thấy dịch Covid-19”.
Giáo sư Chung Bốc tại Đại học bang Pennsylvania và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết nhóm bắt đầu nghiên cứu về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với
sức khỏe tâm thần ngay sau khi Vũ Hán bị phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Nghiên cứu trước đó từng cho thấy ngày càng nhiều người dựa vào mạng xã hội để tìm và chia sẻ thông tin về sức khỏe trong đại dịch. Khảo sát của công ty Harris Poll (Mỹ) từ tháng 3 đến tháng 5 cho thấy 46-51%
người Mỹ trưởng thành sử dụng mạng xã hội thường xuyên hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Nghiên cứu mới cho thấy hơn phân nửa người được hỏi từng bị trầm cảm ở các mức độ khác nhau, dù trước đó họ chưa từng bị rối loạn trầm cảm hoặc sang chấn.
Gần 20% trải qua mức độ trầm cảm trung bình đến trầm trọng, và hơn 20% bị thương tổn thứ phát, xảy ra khi nghe về trường hợp người khác bị trầm cảm.
Trong khi đó, ông Chung cho rằng cần điều quan trọng là cần hiểu rõ về tác động tích cực từ các mạng xã hội trong đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi không muốn mọi người nghĩ xấu về mạng xã hội. Chúng tôi chỉ muốn mọi người biết rằng có sự cân bằng, và khi vượt ngưỡng đó, giống như việc cứ 5-10 phút lại lên mạng xã hội, sẽ càng gây căng thẳng nhiều hơn”, ông chia sẻ.
KHÁNH AN
TNO