Cá tra ‘đổ đống’ bán bên lề đường, người nuôi đổ nợ
Cá tra ‘đổ đống’ bán bên lề đường, người nuôi đổ nợ
Với giá cá tra thấp trong gần 2 năm qua, tiêu thụ càng gặp khó khăn thời gian gần đây do xuất khẩu gặp khó bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người nuôi cá tại ĐBSCL phải bày bán cá tra ven các lề đường ngay tại thủ phủ cá tra.
Dù đang chiếm hơn 90% thị phần cá tra toàn cầu, giữ thế “độc quyền” cung ứng sản phẩm cá tra cho cả thế giới nhưng giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam luôn bấp bênh, khiến cho người nuôi thường xuyên rơi vào cảnh trúng giá thì không có cá, đua nhau nuôi nhiều thì cá bị ế ẩm, người nuôi thua lỗ.
Cá nuôi để xuất khẩu được bán… lề đường
Bày 2 mâm cá tra dưới dốc cầu Ba Láng (quận Cái Răng, Cần Thơ), anh Trần Văn Ngoan – đến từ huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) – cho biết do không có thương lái nào đến hỏi mua, trong khi cá nuôi đã quá tháng nên gia đình anh buộc phải đem cá ra lề đường bán.
“Dù giá cá bán lẻ lên tới 30.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá bán cho thương lái nhưng tui hổng mấy vui” – anh Ngoan cho biết.
Theo anh Ngoan, sản lượng cá tra thương phẩm của gia đình anh lên tới 50 tấn, đã quá lứa nhưng không thương lái nào đến hỏi mua hoặc mua với giá rất thấp, tính ra bị lỗ nặng nên gia đình anh mới quyết định đưa cá ra bán ở lề đường. Ngoài điểm bán do chính anh đứng trông, gia đình anh còn mở 3 điểm bán lề đường khác.
Nhiều người thấy anh Ngoan bày bán cá tra ven đường nên cũng tò mò rồi mua một vài ký, tiêu thụ rất chậm, có hôm ế ẩm cả buổi chợ. “Cực chẳng đã tui mới đem cá tra ra bán lẻ dọc lề đường, bởi số lượng tiêu thụ mỗi ngày không nhiều trong khi sản lượng cá rất lớn, lên tới 50 tấn, với mục đích xuất khẩu” – anh Ngoan nói.
Dọc quốc lộ 91 từ xã Vĩnh Thạnh Trung đến thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú, An Giang) cũng xuất hiện một số điểm bán cá tra ven đường. Chị Hiền – một người đứng bán cá trên tuyến quốc lộ 91 – cho biết đã đưa cá tra ra bán lề đường hơn một tháng nay, mỗi ngày bán 50 – 100kg. “Bán ở dọc lề đường được nhiều hơn ở chợ, hôm bán được ít cũng khoảng 50kg, còn ngày nào tiêu thụ tốt cũng bán được cả trăm ký” – chị Hiền cho biết.
Trong vai người cần bán cá tra quá lứa, chúng tôi đã liên hệ ông Đ. (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú), người chuyên mua cá ở các ao rồi bán lại cho thương lái, cho biết tùy theo thời điểm mà có giá khác nhau. Như hiện tại ông mua 22.000 đồng/kg từ các hầm cá ở huyện Châu Phú. “Mỗi ngày tôi có thể mua từ 20 – 30 tấn cá tra để cung cấp cho các bạn hàng trong và ngoài huyện. Cá loại nào tôi cũng mua hết nhưng giá cá tra tùy theo thời điểm” – ông Đ. nói.
Đổ nợ do phải bán cá dưới giá thành
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Phong (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết gia đình ông cũng điêu đứng do hơn 40 tấn cá trong ao nuôi đã quá lứa bán nhưng thương lái vẫn biệt tăm, trong khi giá cá có thời điểm thấp hơn 19.000 đồng/kg.
“Với mức giá này, gia đình tui bị lỗ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Tui buộc phải đem ra chợ bán với giá cao hơn chút đỉnh nhưng một ngày cũng chỉ kéo 2-3 tấn cá. Mà kéo riết cá đừ nên bỏ ăn và mất ký, tui cũng bị lỗ nặng” – ông Phong chia sẻ.
Thời gian gần đây, theo ông Phong, cứ nghe đến cá tra người dân tại khu vực này đều lắc đầu vì “ớn đến tận cổ”. Gia đình ông Phong còn may mắn giữ lại đất, đang tính chuyển sang trồng thêm xoài, cam và nuôi heo để cải thiện kinh tế, trong khi nhiều hộ nuôi cá khác bán cả đất để trả nợ vay vẫn còn ôm nợ do liên tục thua lỗ vì giá cá tra đứng ở mức thấp suốt 2 năm nay, nhất là khi hoạt động xuất khẩu cá gặp khó khăn hơn do dịch Covid-19.
Sau mấy năm “lên bờ xuống ruộng” với đống nợ khổng lồ do giá cá tra đứng ở mức thấp trong một thời gian dài, ông Trần Văn Bơ và bà Nguyễn Thị Phượng (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) từng buộc phải bán hơn 24 công đất để lấy tiền trả 1,4 tỉ đồng cho ngân hàng.
Theo lời kể của ông Bơ, vào năm 2005, với kỳ vọng làm giàu từ nghề nuôi cá tra, ông vay 150 triệu đồng để đào ao nuôi cá tra nhưng đã mất cả vốn lẫn lãi do bị người mua cá lừa.
Không muốn bỏ không ao nuôi, ông Bơ lại tiếp tục vay vốn ngân hàng để nuôi cá và bắt đầu lún sâu vào nợ nần do giá cá cứ liên tục giảm, có thời điểm chạm đáy 17.000 – 18.000 đồng/kg cá thương phẩm.
“Vào năm 2016, giá cá rớt còn 17.000 đồng/kg, lỗ trắng mất đứt 24 công ruộng. Giờ tôi có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, hết dám nuôi nó rồi” – ông Bơ nói và lắc đầu nhìn ao nuôi rộng hơn 1.000m2 của gia đình mọc đầy lục bình và rau muống.
Theo ông Trần Văn Tuấn – trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, diện tích ao nuôi cá tra tại địa phương này có thời điểm lên tới 50 – 55ha nhưng hiện chỉ còn khoảng 12ha, nhiều người đóng ao nuôi hoặc bán đất trả nợ vì giá cá tra quá thấp, càng nuôi càng lỗ và ôm nợ.
“Với những hộ nuôi cá tra còn đất sản xuất, chúng tôi tìm giải pháp hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng mít, chanh không hạt hoặc nuôi các loại cá khác… để ổn định cuộc sống” – ông Tuấn cho biết.
Giá cá giảm, sức mua tại các siêu thị tăng
Sáng 2-10, ghi nhận tại siêu thị Bách Hóa Xanh (khu vực Thanh Đa, quận Bình Thạnh), Co.op Mart Chu Văn An (quận Bình Thạnh)… cho thấy giá cá tra, cá ba sa đang giảm mạnh và đứng ở mức khá thấp, sức mua cũng tăng đáng kể.
Chọn mua được 3 con cá tra tại siêu thị Bách Hóa Xanh với giá chưa tới 100.000 đồng, bà Thuận (quận Bình Thạnh) cho biết chưa lúc nào thấy giá cá tra rẻ như vậy nên mua nhiều về để ngăn đông ăn dần. Với chương trình khuyến mãi đang được áp dụng đến 4-10, giá cá tra nguyên con tại siêu thị này chỉ còn 29.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với giá trước đó (39.000 đồng/kg), cá cắt khúc chỉ còn 39.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức 54.500 đồng/kg trước đó.
Ngoài ra các siêu thị cũng bày bán nhiều sản phẩm chế biến từ loại cá này như phi lê, kho tộ…
NGUYỄN TRÍ
Xuất khẩu khó khăn trong 2 năm qua khiến nhiều người nuôi cá tra ở ĐBSCL thua lỗ nặng. Trong ảnh: thu hoạch cá tra tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) – Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Đỗ Lập Nghiệp (phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt):
Tuyên truyền để người Việt hiểu rõ hơn về sản phẩm cá tra
Sau khi đề xuất và được Bộ NN&PTNT hỗ trợ, chúng tôi đã đưa sản phẩm cá tra tiếp cận các doanh nghiệp ở Hà Nội và ký được 5 hợp đồng để đưa gần 100 tấn các sản phẩm cá tra ra tiêu thụ tại thị trường này.
Ngoài ra, chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng các tỉnh thành khác ở phía Bắc hiểu rõ hơn về sản phẩm, chất lượng các sản phẩm làm từ con cá tra. Bởi một trong những lý do khiến cho sản phẩm cá tra chưa được tiêu thụ nhiều tại thị trường nội địa là do người tiêu dùng ở nhiều địa phương chưa hiểu và chưa biết về loại cá này.
Có thể nói, trong khi sản phẩm cá tra Việt Nam đã được người tiêu dùng tại nhiều quốc gia lựa chọn, việc bỏ ngỏ thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu dân là điều rất đáng tiếc. Với giá thịt heo đang cao như hiện nay, con cá tra có rất nhiều cơ hội để thâm nhập và mở rộng thị trường nội địa nhằm “chia lửa” với thị trường xuất khẩu.
Ông Cao Lương Tri (người nuôi cá tra tại TP Long Xuyên, An Giang):
Cần có giải pháp ổn định giá cá tra
Tôi đã nuôi cá tra 20 năm nay nhưng đang muốn bỏ nghề này vì cứ làm là thua lỗ do xuất khẩu gặp khó. Theo tôi, khâu nuôi cá khá tốt, chất lượng cá không có vấn đề gì nhưng khâu xuất khẩu đang gặp rất nhiều vấn đề. Do sự mất đoàn kết, cạnh tranh không lành mạnh, giành giật thị trường… giữa các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đã khiến con cá tra Việt Nam đánh mất lợi thế, kéo theo đó là giá cả thiếu ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi cá.
Theo tôi, đã đến lúc ngành nông nghiệp phải quy hoạch bài bản ở khâu nuôi, dựa trên việc cân đối số lượng xuất khẩu, tiêu thụ nội địa… không thể để thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ùn thả giống nuôi khi giá cá tra cao và ngược lại, bỏ ao hàng loạt khi giá cá giảm.
Đặc biệt, cần xây dựng được thương hiệu cá tra Việt Nam, có cơ chế để các doanh nghiệp cùng bắt tay nhau, chào hàng cả trong và ngoài nước để có giá bán ổn định. Người nuôi cũng không cần lời nhiều, chỉ cần lời 500 – 1.000 đồng/kg và ổn định là có thể an tâm đầu tư nuôi cá.