23/11/2024

Ai cho phụ huynh quyền xông vào trường đánh trẻ em?

Ai cho phụ huynh quyền xông vào trường đánh trẻ em?

Mới đây ở Lào Cai, ông bố vào lớp mầm non đón con đã tát, giật tóc bé khác khi biết con mình bị giành đồ chơi. Vụ việc khiến nhiều phụ huynh phẫn nộ. Ai cho người lớn cái quyền xông vào trường đánh trẻ em?
Trẻ em phải luôn được bảo vệ an toàn nhất, dù đang ở nơi đâu /// Ảnh minh họa: Thúy Hằng
Trẻ em phải luôn được bảo vệ an toàn nhất, dù đang ở nơi đâu ẢNH MINH HỌA: THÚY HẰNG

Xông vào trường đánh trẻ em, thật sự đáng hổ thẹn

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, luật sư Lê Trung Phát, giám đốc Hãng Luật Lê Trung Phát, TP.HCM, thẳng thắn: “Trước khi bàn đến vấn đề vi phạm pháp luật, người đàn ông đánh trẻ em kia đã có hành động thật sự hổ thẹn với vai trò của một phụ huynh. Nó không chỉ phản ánh được tính bạo lực trong con người này mà ẩn bên trong là một nhân cách không tốt. Không thể và không ai có thể chấp nhận cho hành động bạo lực này của ông ta, và thật đáng buồn hơn khi nó đã diễn ra trong khuôn viên nơi con mình được dạy dỗ”. Theo luật sư Lê Trung Phát, hành vi bạo lực này, đã vi phạm vào điều cấm trong “luật trẻ em” năm 2016 thay thế “Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004”.

Cũng trao đổi với phóng viên, các luật sư của hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự, Hà Nội, cho biết: Căn cứ vào khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em 2016 thì “Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em” là những hành vi mà pháp luật nghiêm cấm thực hiện. Cụ thể hơn, tại khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 đã giải thích rõ: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”.

Phụ huynh xông vào lớp đánh trẻ đối mặt chế tài nào?

Luật sư Lê Trung Phát cho biết, với hành vi bạo lực này, người phụ huynh đánh trẻ em không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe mà còn gây tổn thương về tinh thần cho cháu bé. Lúc này, ông ta có thể phải đối mặt với 2 chế tài như sau:
Thứ nhất, bị khởi tố vụ án hình sự với “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” theo điều 134 BLHS 2015 nếu gia đình cháu bé đưa cháu đến cơ sở y tế có thẩm quyền để giám định thương tích, nếu xác định cháu bé có tỷ lệ tổn thương cơ thể là có thể khởi tố ông ta. Bởi trong tình huống này, ông ta đã có hành vi phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, theo quy định tại điểm E khoản 1 Điều 134 và có tính chất côn đồ. Lúc này, ông ta có thể đối mặt với hình phạt tù cao nhất lên đến 3 năm.
Ai cho phụ huynh quyền xông vào trường đánh trẻ em? - ảnh 1

Trường học phải là nơi an toàn với mọi trẻ em ẢNH THÚY HẰNG

Thứ 2, trường hợp, nếu giám định thương tích mà kết quả là cháu không có tỷ lệ tổn thương cơ thể, thì lúc này ông ta sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo định tại khoản 2 Điều 27 ND 144/2013 – xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ chăm sóc trẻ em, số tiền bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

“Con tôi cũng từng bị phụ huynh khác xông vào trường đánh”

Anh Nguyễn T.T, 46 tuổi, phụ huynh có con đang học tại một trường THCS ở Q.1, TP.HCM, kể lại hai năm trước, khi con anh đang học tại một trường tiểu học có một vụ việc khiến anh đã phải lên tiếng với ban giám hiệu. Theo đó, con trai anh T. đánh nhau với một bạn khác trong trường, phụ huynh của em kia tìm đến trường, thấy con của anh T. đang chơi ở sân trường đã chạy tới tát cháu một cái khiến cháu bị chảy máu miệng và hết sức sợ hãi.
Trường học phải là nơi các con được an toàn nhất và học được những điều tốt đẹp. Trẻ em có thể vì hiếu động, nô giỡn, đánh nhau vì nghịch ngợm, chúng sẽ được giải thích và giảng hòa, sau đó vẫn có thể là bạn, nhưng không một người lớn nào có quyền đánh đập, xúc phạm trẻ em. Đặc biệt, lại là một người lớn từ bên ngoài trường xông vào, đánh trẻ. An toàn cho các con của tôi sẽ như thế nào?”, anh T.bức xúc.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, khoảng 4 giờ chiều 30.9.2020, tại lớp mầm non D2 (cho trẻ 2 – 3 tuổi), Trường mầm non Trumpkids (số 357 đường Nhạc Sơn, P. Cốc Lếu, TP.Lào Cai), 2 học sinh cùng lớp là B.A và H.C.T khi chơi đùa đã tranh giành đồ chơi. Ở thời điểm đó, ông Hoàng Văn Hùng đi đón con, thấy con khóc và được các cô giáo kể lại sự việc xảy ra giữa cháu B.A và con mình là cháu H.C.T, nên đã lao vào giật tóc, tát và dọa nạt bắt bé B.A phải xin lỗi, ngay trước mắt các cô giáo. Vụ việc có camera ghi lại.
Trao đổi với người viết, các luật sư tại Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự, Hà Nội, cho hay: “Hành vi đe dọa, sử dụng bạo lực đối với trẻ em là tội ác cần phải lên án. Những vết thương về thể xác, tổn hại tinh thần này có thể ảnh hưởng đến tâm lý sau này của trẻ. Trẻ em bị đe dọa, sử dụng bạo lực thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti và có một cái nhìn thiếu thiện cảm đối với xã hội. Hành vi của trẻ trong một hành trình tương lai cũng dễ bị lệch lạc một cách đáng tiếc. Tình trạng các phụ huynh khi thấy con mình bị bạn đánh, vì thương xót con mình mà đánh con người khác là một hành vi rất đáng bị lên án vì các con trẻ còn nhỏ không đủ khả năng nhận thức được hành vi của mình, đặc biệt là hành vi này lại xảy ra trong môi trường giáo dục”.

Làm sao để ngăn chặn việc phụ huynh xông vào trường đánh trẻ em?

Luật sư luật sư Lê Trung Phát, giám đốc Hãng Luật Lê Trung Phát chia sẻ hiện nay khoảng cách nhà trường – phụ huynh – học sinh được kéo lại gần nhau hơn, tương tác giữa nhà trường và phụ huynh nhiều hơn. Nhưng cũng có thể từ đây, có sự lạm dụng của một số phụ huynh, nhiều vụ đáng tiếc xảy ra, phụ huynh có thể vào tận trường, lớp để đánh các em.
Ai cho phụ huynh quyền xông vào trường đánh trẻ em? - ảnh 2

Nhà trường phải xây dựng cơ chế người lớn không được tùy tiện tiếp xúc với trẻ em trong trường học  ẢNH MINH HỌA THÚY HẰNG

Luật sư Phát đề xuất, thứ nhất, nhà trường cần phải tạo ra các cơ chế đưa, đón học sinh, liên hệ với học sinh, giáo viên trong khuôn viên và thời gian con em đang theo học. Tất cả phải dựa trên nguyên tắc “coi trọng lợi ích của con trẻ là trên hết”. Nhà trường cần phải cương quyết trong việc này, bởi trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo “luật trẻ em” trong thời gian này đang thuộc về nhà trường, và luật cũng cho phép các đơn vị có liên quan được xây dựng cơ chế nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến trẻ em.
Thứ hai, phụ huynh phải nâng cao ý thức, phải hiểu được những việc nhà trường đang cố gắng xây dựng và thực hiện cũng là nhằm giúp bảo con em chúng ta. Trường học là nơi để học sinh và giáo viên tương tác với nhau, chứ không phải là nơi để chúng ta thuận tiện ra vào.
Thứ ba, cần vận động xây dựng được văn hóa ứng xử nhẹ nhàng và đặc biệt là sự quan tâm đến trẻ em. Dù chúng không phải là con của mình, thì cũng không vì thế mà có hành động đối xử thô bạo hay khiếm nhã đến.

Con tôi bị người khác tấn công, tôi phải làm gì?

Luật sư Lê Trung Phát tư vấn, điều đầu tiên phụ huynh cần nhanh chóng tìm giải pháp trấn an và giúp con lấy lại sự ổn định về tinh thần. Trường hợp nếu con em mình bị ảnh hưởng về sức khỏe, thì nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có thẩm quyền thăm khám, nhanh chóng đề nghị xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của trẻ.
Trong quá trình đó, chúng ta sẽ phối hợp với nhà trường và các cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát để tiến hành các hoạt động theo luật định nếu có. Chúng ta phải nhớ rằng, sự tổn thương của trẻ rất nhạy cảm, vì vậy đừng nghĩ rằng chúng ta phải chờ đến khi nào có sự xuất hiện của cơ quan chức năng, thì chúng ta mới được thực hiện các hoạt động trấn an, sơ cứu hay đưa con em đi chữa trị. Việc xác định hay chứng minh hành vi phạm tội thuộc về cơ quan tư pháp, lúc đó chỉ cần ta cung cấp đúng tình tiết của sự việc và phối hợp làm việc với họ.
THUÝ HẰNG
TNO