Dệt may vào Liên minh Kinh tế Á Âu sắp vượt ngưỡng ưu đãi cho phép
Dệt may vào Liên minh Kinh tế Á Âu sắp vượt ngưỡng ưu đãi cho phép
12 mã hàng của nhóm sản phẩm váy, đầm, quần áo phụ nữ xuất khẩu từ Việt Nam vào khu vực Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) được hưởng ưu đãi thuế quan có nguy cơ vượt mức ngưỡng (trigger level) áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020 theo quy định.
Bộ Công thương cho biết Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) vừa gởi cảnh báo về việc các mặt hàng dệt may của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan (MFN) xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) có nguy cơ vượt mức ngưỡng (trigger level) áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020 theo quy định VN-EAEU FTA.
Theo đó, các mặt hàng váy, đầm, quần áo phụ nữ (mã HS 6104.41, 6104.42, 6104.43, 6104.44, 6104.49, 6204.42, 6204.44, 6204.49) của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 1-2020 đến tháng 7-2020 đã đạt 79,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020.
Theo Bộ Công thương, tại điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Nếu xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFN trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
Hiệp định VN-EAEU FTA đã đi vào thực thi được 3 năm kể từ khi có hiệu lực, tính từ năm 2016 đến nay. Nếu giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng kim ngạch trung bình hàng năm giữa Việt Nam với các nước trong khối chỉ đạt vào khoảng 5% thì nay đã tăng lên 30%/năm.
Vào thời điểm ký VN-EAEU FTA, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của Liên minh – hàng hóa Việt Nam có lợi thế đặc biệt để thâm nhập thị trường khối EAEU.
Thị trường EAEU vẫn đang có nhu cầu rất lớn về tất cả các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, giày dép, điện tử, các sản phẩm nông sản như gạo, hạt tiêu, rau quả, thủy sản.
Về phía EAEU, những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam là các mặt hàng xăng dầu, máy móc, hóa chất, sắt thép, hàng tiêu dùng. Cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và EAEU bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp.