Quảng Ninh ‘xoá trắng’ thôn, xã nghèo
Quảng Ninh ‘xoá trắng’ thôn, xã nghèo
Những năm gần đây, diện mạo của Quảng Ninh đang đổi thay từng ngày khi tỉnh này hiện đã trở thành địa phương “xóa trắng” thôn, xã nghèo.
Để có được diện mạo này là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, kết hợp với cách làm sáng tạo của chính quyền nơi đây.
|
Người dân chủ động viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo
Năm 2005, tỉnh Quảng Ninh có 27 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau 10 năm thực hiện các chính sách phát triển KT-XH cho đồng bào khu vực này, đến năm 2015, tỉnh vẫn còn 22 xã và 11 thôn nằm trong diện đặc biệt khó khăn với 9.658 hộ nghèo, cận nghèo; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn cao gấp 14 lần so với ở xã khu vực 1. Nếu không xóa bỏ được tâm lý trông chờ ỷ lại của người dân thì cái nghèo khó mà được cắt đứt triệt để.
Tháng 1.2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020. Đây được xem như một đề án đặc biệt, thể hiện cách làm sáng tạo, riêng có của Quảng Ninh với kỳ vọng sẽ phá vỡ những rào cản trong công tác giảm nghèo, hiện thực hóa mục tiêu xóa thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, triển khai đề án, vai trò của người dân và chính quyền cơ sở được thể hiện rõ nét nhất thông qua sự vào cuộc trách nhiệm với phương châm “Nhà nước không làm thay, làm hộ”. Để thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn một cách bền vững, các xã, thôn, người dân phải trực tiếp tham gia và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Ngân sách chỉ hỗ trợ khi các địa phương có đề án, giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân.
Cách làm quyết liệt và sáng tạo trên đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Đầu năm 2018, 44 hộ dân đồng bào dân tộc Dao xã Đồn Đạc (H.Ba Chẽ), một trong những xã khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, đã chủ động viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Từ sự kiện trên, hàng trăm hộ nghèo ở các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng viết đơn tự nguyện thoát nghèo, nhường sự hỗ trợ lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.
Anh Chìu Sinh Vày (40 tuổi, thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, H.Ba Chẽ) cho biết, cách đây 7 năm gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Biết rằng khi ra khỏi diện nghèo, sẽ không được hưởng hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước, nhưng với quyết tâm thoát nghèo, gia đình anh Vày đã chăm chỉ làm ăn, chắt chiu để vươn lên. Từ nguồn vay vốn của địa phương, gia đình anh đang có 12 ha rừng trồng keo và quế… và từ đó, gia đình anh cũng đã cất được một ngôi nhà mới khang trang.
Cán đích sớm 1 năm
Đề án 196 xác định mục tiêu rất rõ ràng và lộ trình cụ thể hằng năm để đến năm 2020 đưa tất cả các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135. Nhưng với cách làm riêng biệt, đến hết năm 2019, tỉnh Quảng Ninh về đích trước 1 năm so với lộ trình đề ra. Bên cạnh đó, 100% các xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% số hộ dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 97,82% số hộ dân tại xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 61,99% năm 2015 xuống còn 13,38% cuối năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cách làm chủ động, sáng tạo, đột phá trên đã đem lại hiệu quả cao, tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về diện mạo nông thôn, miền núi, biên giới cũng như ở những địa bàn đặc biệt; góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
|
Giai đoạn 2014 – 2019, từ kênh của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã có trên 55.200 lượt khách hàng tại các xã, thôn vùng khó khăn được hỗ trợ vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 2.100 tỉ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 4.800 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 30.100 lao động.
LÃ NGHĨA HIẾU
TNO