24/11/2024

Học sinh nói gì về quy định cho dùng điện thoại trong lớp?

Học sinh nói gì về quy định cho dùng điện thoại trong lớp?

‘Trước khi cho học sinh dùng điện thoại trong lớp, nhà trường, gia đình hãy trang bị cho các bạn những kỹ năng để sử dụng điện thoại một cách thông minh’.

 

 

 

Học sinh nói gì về quy định cho dùng điện thoại trong lớp? - Ảnh 1.

Học sinh được dùng điện thoại trong lớp học vẫn đang có những ý kiến trái chiều – Ảnh: DUYÊN PHAN

Đó là ý kiến của một số học sinh về việc các em được dùng điện thoại trong lớp nhưng phải được sự đồng ý của giáo viên để phục vụ việc học. Trao đổi với Tuổi Trẻ, em Lê Trần Kim Linh – học sinh lớp 10A5 Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM – nói:

– Theo em, cho học sinh dùng điện thoại trong lớp có hai mặt. Mặt tốt là tạo sự thuận lợi khi cần tìm hiểu thêm thông tin phục vụ cho bài làm, lấy được điểm cộng của thầy cô bộ môn vì có những hiểu biết ngoài sách giáo khoa… Nhưng mặt trái là sẽ có bạn sử dụng điện thoại vào những mục đích không tốt như quay cóp, lướt web, vào Facebook trong giờ học.

* Trường của em có cho học sinh dùng điện thoại không?

– Trường em không cho học sinh tự do dùng điện thoại trong lớp. Chỉ khi nào thầy cô giáo cho phép và yêu cầu thì tụi em mới được lấy điện thoại ra để tìm thông tin. Trường hợp này thường áp dụng trong những tiết lịch sử, vật lý…

* Em nghĩ như thế nào về quy định học sinh được dùng điện thoại trong lớp học khi được giáo viên đồng ý để phục vụ việc học?

– Em nghĩ đây là quy định cần thiết, nhất là trong thời đại công nghệ rất phát triển như hiện nay. Smartphone là công cụ thông minh không thể thiếu trong quá trình học tập của học sinh. Vì nếu chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa thôi thì chưa đủ. Đi mua sách tham khảo sẽ mất tốn kém thời gian và tiền bạc hơn là tra thông tin trên mạng.

Hiện nay, trên Facebook còn có khá nhiều group trao đổi về việc học tập của học sinh trên mọi miền đất nước. Bản thân em cũng tham gia các group này và thấy rất bổ ích. Đó là chưa kể smartphone còn là phương tiện hỗ trợ học sinh tự học, mở mang kiến thức… rất hiệu quả.

Học sinh nói gì về quy định cho dùng điện thoại trong lớp? - Ảnh 2.

Em Lê Trần Kim Linh – học sinh lớp 10A5 Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM

* Nhưng nhiều phụ huynh lo lắng khi giao điện thoại cho con em thì các bạn rất dễ sử dụng không đúng mục đích như chơi game, xem phim có nội dung không tốt…

– Các bậc phụ huynh thương và lo cho con em mình nên mới có suy nghĩ như vậy. Em nghĩ rằng điều quan trọng nhất chính là ý thức sử dụng điện thoại của bản thân học sinh. Em được ba mẹ sắm cho điện thoại “cục gạch” từ lúc đang học lớp 3 với mục đích nghe – gọi khi tan học. Đến năm lớp 6, em có smartphone đến bây giờ. Dĩ nhiên, em có may mắn là tham gia hoạt động đoàn thể nhiều nên em được dự các buổi nói chuyện chuyên đề, giáo dục kỹ năng sống phòng tránh lạm dụng mạng xã hội, nghiện game.

Vì vậy, trước khi học sinh được giao smartphone thì nhà trường, gia đình hãy trang bị cho các bạn những kỹ năng kiềm chế, điều chỉnh bản thân, tự sắp xếp thời gian biểu hợp lý, kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, kỹ năng sử dụng và ứng xử trên mạng xã hội, kỹ năng tìm và chắt lọc thông tin trên mạng… để phục vụ việc học tập. Khi đã có kỹ năng rồi, chắc chắn các bạn sẽ không sử dụng điện thoại sai mục đích.

* Như vậy em cho rằng Bộ GD-ĐT ra quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp với sự đồng ý của giáo viên để phục vụ việc học là hợp lý?

– Em mới tạm biệt ngôi trường THCS được mấy tháng nên em cho rằng quy định trên chỉ phù hợp với các trường THPT. Các em lớp 8, 9 còn đỡ, chứ các em lớp 6, 7 còn nhỏ quá. Em nghĩ rằng các em ấy sẽ khó có được những kỹ năng cần thiết để sử dụng smartphone, khó tránh được những cám dỗ từ game online, phim ảnh có nội dung xấu…

Vì vậy, nếu có cho sử dụng smartphone, chỉ nên áp dụng từ khối 8 trở lên. Tuy nhiên, trong một trường THCS mà khối này được sử dụng, khối khác lại bị cấm sẽ gây ra những điều không hay và rất có thể các em khối 6, 7 sẽ phản ứng tiêu cực. Vì thế, em nghĩ là chỉ nên áp dụng trong trường THPT mà thôi.

Mà ngay trong trường THPT cũng cần có quy định cụ thể, rõ ràng về việc cho học sinh sử dụng điện thoại. Trong đó cần nói rõ khi nào học sinh được lấy điện thoại ra, phục vụ việc học tập là như thế nào. Vì em e rằng với quy định của Bộ

GD-ĐT, nhiều bạn sẽ hiểu lầm rằng mình sẽ được sử dụng điện thoại bất cứ lúc nào trong lớp học. Ví dụ trong lúc giáo viên đang giảng bài, học sinh cần lắng nghe thì lại lấy điện thoại ra lướt web là không đúng rồi. Nhưng trong trường hợp đó, học sinh vẫn có thể cãi lại rằng em sử dụng điện thoại vào việc học tập, chứ em không chơi game…

Tóm lại, nhà trường cần có hướng dẫn cho học sinh hiểu rõ về quy định này giờ nào việc nấy, khi nào được phép mới lấy điện thoại ra, chứ không sử dụng vô tội vạ.

* Nguyễn Đức Thành (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM):

Phải nhấn mạnh sử dụng cho việc học

nguyen duc thanh

Nguyễn Đức Thành

Cá nhân em ủng hộ quy định cho học sinh dùng điện thoại trong lớp, dĩ nhiên phải nhấn mạnh sử dụng điện thoại để phục vụ học tập, chứ không làm những việc khác. Nhiều người cho rằng nếu cần tra Google thì vào phòng máy tính của trường, cần gì sử dụng điện thoại. Thực tế đúng như vậy, nhưng máy tính không phải trường nào cũng có cấu hình mạnh, đường truyền mạnh. Bạn em học ở vùng ven TP.HCM, bạn kể máy tính của trường bạn chạy rất chậm. Trong khi đó, tụi em sử dụng smartphone thì ra kết quả ngay.

Chưa kể việc sử dụng smartphone trong học tập còn tạo tâm thế tự học, tạo thói quen chủ động tìm kiếm kiến thức ngoài sách giáo khoa, chứ kiến thức, số liệu trong sách giáo khoa hiện tại đôi khi rất lỗi thời. Em cũng có nghe nhiều phụ huynh, giáo viên lo ngại rằng tụi em sẽ không dùng điện thoại cho việc học tập mà chơi game, xem phim… Nhưng hiện tại công nghệ đã rất phát triển, phụ huynh có thể cài các phần mềm có chức năng giới hạn nội dung trên smartphone của con em mình. Trường hợp này, học sinh chỉ có thể truy cập và tải xuống các bài phục vụ việc học tập, chứ không thể xem phim hay vào các trang web nhạy cảm.

* Trần Hữu Triết (học sinh lớp 11A4 Trường THCS – THPT tư thục Đào Duy Anh, Q.6, TP.HCM):

Bắt kịp thời đại

tran huu trie t

Học sinh Trần Hữu Triết

Em cho rằng quy định học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp là hợp lý và bắt kịp với thời đại. Ưu điểm của việc này nhiều người đã biết. Vấn đề còn lại là các nhà trường cần có quy định cụ thể để học sinh sử dụng điện thoại phục vụ học tập, chứ không phải sử dụng điện thoại để mất tập trung, sao nhãng nhiệm vụ học tập. Quy định hiện tại của trường em là học sinh được mang điện thoại đi học nhưng phải nộp cho giáo viên trong suốt thời gian học tập ở trường, khi nào ra về mới được lấy lại điện thoại. Tức là học sinh không được mang điện thoại vào lớp học.

Cái “nếp” đã có sẵn rồi, chỉ cần nhà trường thay đổi chút xíu bằng cách giờ học nào cần sử dụng điện thoại thì giáo viên phát ra cho học sinh; học xong thì thu vào. Đến giờ học sinh ra khỏi trường mới được nhận lại điện thoại. Chứ em cũng biết rất rõ rằng đi học mà có điện thoại kế bên học sinh rất dễ bị phân tâm với những tin nhắn, thông báo trên Facebook.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
TTO