24/11/2024

Tăng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh không nên vội bỏ nguyện vọng

Tăng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh không nên vội bỏ nguyện vọng

Với nhiều trường đại học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, việc thí sinh trúng tuyển “ảo” quá nhiều khiến kế hoạch tuyển sinh ban đầu không đạt kỳ vọng.

 

Tăng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh không nên vội bỏ nguyện vọng - Ảnh 1.

Thí sinh trúng tuyển phương thức xét học bạ làm thủ tục nhập học vào một trường đại học tại TP.HCM – Ảnh: M.G.

Sau đợt xác nhận nhập học thứ nhất bằng các phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2020, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã điều chỉnh đề án tuyển sinh, tăng gấp đôi chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT lên 2.325 chỉ tiêu.

Thêm cơ hội

ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết số lượng thí sinh xác nhận nhập học bằng các phương thức khác không như kỳ vọng, nên trường phải chuyển chỉ tiêu sang xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.

Các ngành thuộc nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, chương trình tiên tiến khoa học máy tính, chương trình chất lượng cao công nghệ thông tin còn 35% chỉ tiêu xét tuyển. Các ngành khác số lượng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 40-80% tổng chỉ tiêu tùy ngành.

Tương tự, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức điểm thi tốt nghiệp. Tổng số chỉ tiêu còn lại đến 2.855, chiếm 85% tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020.

Theo đề án tuyển sinh trước đây, trường tuyển 3.339 chỉ tiêu theo 4 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm 55-65% tổng chỉ tiêu.

Với nhiều trường đại học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, việc thí sinh trúng tuyển “ảo” quá nhiều khiến kế hoạch tuyển sinh ban đầu không đạt kỳ vọng.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) gọi nhập học hơn 3.000 thí sinh, nhưng số thí sinh xác nhận nhập học không đạt như mong muốn.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo – cho biết lượng chỉ tiêu các phương thức không có định mức cụ thể, chẳng hạn xét điểm thi tốt nghiệp từ 30-60% tổng chỉ tiêu. Do đó, khi thí sinh các phương thức khác không đạt chỉ tiêu, trường sẽ điều chuyển chỉ tiêu sang phương thức xét điểm tốt nghiệp.

Một số trường có sự điều chỉnh lớn chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp theo hướng tăng lên như Trường ĐH Mở TP.HCM từ 30% lên 70%, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM từ 50% lên 80%, Trường ĐH Tài chính – marketing từ 25% lên 60%, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tăng từ mức 10-30% lên 40%, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ 50% lên 70%…

Đừng vội bỏ nguyện vọng

Việc các trường tăng chỉ tiêu xét điểm tốt nghiệp đồng nghĩa với cơ hội trúng tuyển vào trường, ngành mình yêu thích của thí sinh sử dụng phương thức này nhiều hơn. Tuy nhiên, có sự mất cân đối số nguyện vọng rất lớn giữa các ngành trong cùng một trường.

“Ngoại trừ các ngành nhóm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và hóa học dự kiến điểm chuẩn sẽ rất cao. Các ngành còn lại cơ hội trúng tuyển của thí sinh rất lớn khi chỉ tiêu tăng và số lượng thí sinh đăng ký không nhiều. Dự kiến khoảng 19 điểm, khả năng trúng tuyển rất cao rồi” – ThS Phùng Quán nói.

Tương tự, PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho biết một số ngành của trường có lượng nguyện vọng thí sinh rất lớn trong khi những ngành năm trước điểm chuẩn thấp, năm nay lượng hồ sơ cũng không nhiều.

“Những ngành năm trước điểm chuẩn cao năm nay dự kiến điểm chuẩn sẽ rất cao, trong khi ngành có điểm chuẩn thấp năm trước năm nay điểm chuẩn cũng không thay đổi nhiều” – ông Thắng nhận định.

Điểm thi năm nay tăng mạnh, ông Thắng cho biết thí sinh cân nhắc khi điều chỉnh nguyện vọng. Theo ông, ngành nào, trường nào thích nhất, có thể điểm thi chưa chắc chắn đậu nhưng thí sinh vẫn nên để nguyện vọng cao nhất và kế đến là các trường, ngành thích tiếp theo, ngành có cơ hội trúng tuyển lớn nhất đặt cuối cùng.

Thí sinh không vội bỏ nguyện vọng mình mong muốn bởi nếu không trúng tuyển, thí sinh vẫn được xét tuyển các nguyện vọng khác bình đẳng.

Không chủ quan

img_9027 1(read-only)

TS Phạm Tấn Hạ tư vấn cho học sinh Phú Yên trong chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ năm 2020 – Ảnh: NH.HUY

Theo ThS Phùng Quán, những thí sinh đạt 24 – 25 điểm nghĩ đây là mức điểm cao nên có tâm lý chủ quan, chờ kết quả xét tuyển phương thức xét điểm tốt nghiệp, không xác nhận nhập học khi trúng tuyển các phương thức khác. Tuy nhiên, số thí sinh đạt mức này khá nhiều, nếu sắp xếp nguyện vọng không hợp lý thì khả năng rớt rất cao.

Còn TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng tuy điểm thi năm nay ở các khối tăng từ 2 đến 3 điểm so với năm trước nhưng những thí sinh có điểm thi bằng điểm chuẩn năm trước không cần thiết phải thay đổi nguyện vọng. Nếu đã sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự yêu thích từ cao xuống thấp, thí sinh nên để như vậy.

MINH GIẢNG
TTO