24/11/2024

Điện về thay đổi diện mạo nông thôn

Điện về thay đổi diện mạo nông thôn

Từ chỗ thiếu điện trầm trọng, đến nay tỉnh Kiên Giang có lưới điện quốc gia phủ sóng gần như toàn bộ từ đất liền đến các đảo, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Công nhân ngành điện thi công điện 3 pha phục vụ người dân xã Kiên Bình (H.Kiên Lương, Kiên Giang) nuôi tôm công nghiệp /// Thùy Trang
Công nhân ngành điện thi công điện 3 pha phục vụ người dân xã Kiên Bình (H.Kiên Lương, Kiên Giang) nuôi tôm công nghiệp THÙY TRANG
Có được thành quả nêu trên là nhờ chương trình điện khí hóa nông thôn, do Công ty Điện lực Kiên Giang (thành viên Tổng công ty Điện miền Nam) triển khai thực hiện.

Vùng nông thôn phát triển nhiều ngành nghề

Ông Trần Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Thạnh Yên (H.U Minh Thượng, Kiên Giang), chia sẻ: “Từ khi có điện lưới quốc gia, ngoài chú trọng phát triển nông nghiệp, xã Thạnh Yên còn phát triển kinh tế trên các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ”.
Theo ông Cường, đến năm 2019, toàn xã có trên 50 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, tăng 30 cơ sở so với năm 2010. Các ngành nghề phát triển khá như sản xuất nước đá, nước uống đóng chai và các dịch vụ sửa chữa cơ khí như: hàn, tiện, nhôm, sắt, mộc gia dụng, vật liệu xây dựng…đáp ứng yêu cầu của người dân trong xã và một số xã lân cận. Ngoài ra, toàn xã có 480 cơ sở sản xuất, kinh doanh (tăng 123 cơ sở so với năm 2011); hơn 470 hộ làm nghề dịch vụ và thương mại mua bán nhỏ (tăng 352 hộ), góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ ấp Xẻo Kè A, xã Thạnh Yên) chia sẻ: “Quê hương thay đổi được như ngày nay có thể nói khởi đầu từ ngày có điện lưới quốc gia. Trước đây, người dân phải xài đèn dầu thắp sáng, đường đất lầy lội, đời sống vô vàn khổ cực. Tôi không ngờ có ngày gia đình mình được trang bị đầy đủ các thiết bị điện hiện đại như tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện… phục vụ sinh hoạt”.

Tạo đà cho nông nghiệp phát triển

Trên cánh đồng gần 210 ha của HTX nông nghiệp Tân Thuận Phát (xã Thuận Hòa, H.Giồng Riềng), người dân phấn khởi vì đưa được máy gặt đập xuống ruộng. Bởi những mùa vụ trước ruộng lún, nước nhiều, không thể cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Bây giờ, nhờ có trạm bơm điện, ruộng thiếu nước trạm bơm cung ứng, trước khi cắt lúa trạm bơm điện rút nước ra cho đồng ruộng khô ráo, tạo điều kiện cho máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Nhờ đó bà con giảm được rất nhiều chi phí bơm tát nước.
Nhờ có điện lưới quốc gia, người dân ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả

Nhờ có điện lưới quốc gia, người dân ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả

Điển hình trong việc hưởng lợi từ nguồn điện lưới quốc gia còn có HTX nông nghiệp Tân Thành Công (H.Châu Thành, Kiên Giang) với diện tích 164 ha. Ông Huỳnh Văn Tập, Giám đốc HTX này, cho biết: “Trong sản xuất lúa, từ khâu bơm tát nước, làm đất, chọn giống, sử dụng vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm đều rất bài bản và có mối liên kết chặt chẽ. Việc đầu tiên, các thành viên đồng lòng là lập trạm bơm tát nước tập trung bằng điện lưới. Khi thấy lợi ích từ bơm tát nước tập trung, nhiều hộ dân xin làm thành viên và tuân thủ các quy định của HTX”.

Đưa điện về vùng nuôi tôm

Để đáp ứng nhu cầu về điện cho người dân nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, nhiều năm qua, Công ty Điện lực Kiên Giang đã tăng cường phối hợp các cấp chính quyền địa phương cấp điện cho người dân nuôi tôm theo quy hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Đồng thời tập trung cải tạo lưới điện hiện hữu tại các khu vực quy hoạch nuôi tôm hoặc các khu vực có nhiều hộ nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch.
Đến nay, vùng nuôi tôm của xã Kiên Bình (H.Kiên Lương, Kiên Giang) đã có nhiều trạm biến áp điện 3 pha. Ông Phạm Văn Phương (ngụ ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình) phấn khởi nói: “Từ khi có điện 3 pha phục vụ nuôi tôm đến nay, tôi chuyển vuông nuôi tôm bán thâm canh thành vuông nuôi tôm công nghiệp. Trước đây, chạy máy dầu, máy phát điện để chạy quạt nước nên năng suất tôm nuôi không đạt. Từ khi sử dụng điện chạy quạt lượng ô xy đủ nên năng suất tôm đạt cao. Mỗi vuông nuôi tôm rộng từ 3.000 – 4.000 m2, thu hoạch từ 4,5 – 5 tấn tôm, tăng từ 1 – 1,5 tấn/vuông so với sử dụng máy phát điện hay máy dầu”.
Ông Hứa Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang, cho biết đến nay, việc cấp điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp của tỉnh đã được cải thiện. Tình trạng quá tải cục bộ trạm biến áp và đường dây dẫn điện đã khắc phục, góp phần hỗ trợ bà con giảm chi phí nuôi tôm chạy quạt bằng điện so với sử dụng xăng, dầu dùng cho máy nổ chạy quạt nước như trước đây.
Ngoài nỗ lực của ngành điện, UBND tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ nhiều mặt cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh; trong đó có hỗ trợ đầu tư hệ thống điện trung thế và các trạm biến áp cho nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp. Mỗi năm, từ nguồn ngân sách nhà nước, UBND tỉnh đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung khoảng 30 tỉ đồng.