Cầm cố sổ tiết kiệm rồi vay lại vẫn lời
Cầm cố sổ tiết kiệm rồi vay lại vẫn lời
Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, hiện lãi suất cho vay thấp nhất là ở dạng cầm cố sổ tiết kiệm.
Chị L.T.T. (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết vừa ký hồ sơ vay 600 triệu đồng tại một chi nhánh MBBank ở Hà Nội. Khoản vay được cầm cố bằng sổ tiết kiệm và thời hạn vay 3 tháng nên lãi suất gần 6%/năm. Mức lãi vay này thấp hơn lãi suất tiền gửi sổ tiết kiệm mà NH đang trả cho chị (chị mở sổ tiết kiệm cho NH vay cách đây 13 tháng).
“Do sổ tiết kiệm chưa đến hạn tất toán mà lại cần đến tiền để kinh doanh nên tôi phải đi vay NH. Hơn 10 năm kinh doanh, chưa bao giờ thấy đi vay NH lại thuận lợi như hiện nay. Ngoài lãi suất vay rất mềm, số tiền vay là 100% giá trị tiền gửi trên sổ cộng với cả tiền lãi” – chị T. thông tin.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều NH hiện còn nhận cầm cố cả sổ tiết kiệm của các NH khác thay vì trước đây chỉ chấp nhận sổ tiết kiệm do chính NH mình phát hành. Tuy nhiên, lãi suất mỗi NH một mức.
Tại VPBank, nhân viên chi nhánh Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) cho biết lãi suất vay đang được áp dụng trong tháng 9 là lãi suất tiền gửi của sổ tiết kiệm cộng với 2,5 – 2,8%/năm, tùy theo thời gian vay. Thời gian vay càng dài, lãi suất vay càng cao. Với lãi suất huy động khoảng 5,8 – 7%/năm, lãi vay quanh mức 9 – 10%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng.
Nên rót vốn vào đâu?
Chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng người tham gia phải có kiến thức về lĩnh vực này – Ảnh: B.MAI
Vậy người có tiền nhàn rỗi nên tính toán thế nào cho có lợi nhất? Theo chuyên gia Trần Kim Long, trong giai đoạn hiện nay khi sự hồi phục của nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn chưa rõ ràng, người dân nên thận trọng trong phân bổ tài sản. Mục tiêu phòng thủ vẫn là chiến lược tốt giúp giữ vững giá trị danh mục tài sản và có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai.
Với mục tiêu này, nên tập trung vào các loại tài sản có mức độ rủi ro thấp nhưng có tính thanh khoản cao như tiền gửi tiết kiệm vì mức lạm phát dự báo năm nay là dưới 4%/năm.
Vàng cũng là một lựa chọn nhưng tránh mua đuổi trong những thời điểm giá vàng bị đẩy lên quá cao, vì rất dễ gặp rủi ro đầu cơ và điều chỉnh trong ngắn hạn.
Đối với các nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro ở mức cao hơn thì có thể xem xét đầu tư dài hạn cổ phiếu của các ngành có khả năng phục hồi sau mùa dịch như ngành công nghệ, năng lượng.
Dịch COVID-19 là cơ hội khiến giá các cổ phiếu về mức hấp dẫn, phù hợp cho các nhà đầu tư giá trị. Tuy nhiên cần nhấn mạnh là có sự khác biệt rất lớn giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành, cho dù một ngành phục hồi nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp trong ngành đều phục hồi, tức là mức độ tác động của khủng hoảng lên từng doanh nghiệp có sự khác nhau.
Do đó, đòi hỏi người rót vốn phải am hiểu về thị trường hoặc được hỗ trợ tư vấn kỹ lưỡng. Nhà đầu tư cũng cần đa dạng hóa danh mục tài sản để phòng ngừa rủi ro từ các biến động của thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhận định từ nay đến cuối năm lãi suất cả huy động và cho vay vẫn tiếp tục giảm.
Thị trường chứng khoán khá sôi động, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế của thế giới cũng như trong nước. Nên kênh đầu tư chứng khoán thời điểm này cần kiến thức phân tích và thuận lợi hơn cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thị trường vàng hay bất động sản cũng biến động mạnh, rủi ro lớn, cần cân nhắc kỹ.
Với đại bộ phận dân chúng, thời buổi này tiền gửi ngân hàng mặc dù lãi suất xuống thấp nhưng vẫn tạo ra lợi nhuận trên tỉ lệ lạm phát. Trong khi những kênh khác vẫn còn có những rủi ro bất ổn.
VCBS cũng nhận định lúc này người dân có xu hướng giữ một phần tiền mặt do lo ngại dịch bệnh và doanh nghiệp, người dân vẫn ưu tiên tài sản an toàn và thanh khoản. Trong đó kênh tiết kiệm vẫn được xem là kênh đầu tư được lựa chọn trước các lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.