24/11/2024

Đơn phương đòi trừng phạt Iran, Mỹ bị đồng minh EU phản đòn

Đơn phương đòi trừng phạt Iran, Mỹ bị đồng minh EU phản đòn

Nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt những quốc gia, thực thể không tuân thủ các biện pháp trừng phạt áp dụng với Iran, tình hình sẽ thực sự căng thẳng.

 

Đơn phương đòi trừng phạt Iran, Mỹ bị đồng minh EU phản đòn - Ảnh 1.

Binh sĩ Mỹ trên tàu USS Nimitz (CVN 68) khi đi qua eo biển Hormuz. Ngày 18-9, hạm đội 5 của Mỹ cho biết một nhóm tàu sân bay tấn công do tàu USS Nimitz dẫn đầu và bao gồm 2 tàu tuần dương cùng một tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến vào vùng Vịnh – Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Nga và Trung Quốc đang vui vẻ “tọa sơn quan hổ đấu” xem châu Âu và Mỹ chia rẽ.

Một nhà ngoại giao ở LHQ nói với Hãng tin AFP

“Nếu các thành viên của LHQ không hoàn thành trách nhiệm thực thi các biện pháp trừng phạt này thì nước Mỹ sẵn sàng sử dụng các công cụ của riêng mình để trừng phạt những sai sót đó”.

Thật khó tin khi tuyên bố này là của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, khi ông đơn phương thông báo các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Iran “có hiệu lực trở lại” từ 20h ngày 19-9 (theo giờ Mỹ, tức 7h sáng 20-9 theo giờ VN).

Có thể hiểu đơn giản về tuyên bố trên là “những nước thành viên LHQ nào không thực thi lệnh trừng phạt sẽ phải gánh chịu hậu quả trả đũa từ Mỹ”.

Ông Trump sẽ tạo bất ngờ?

Trong thông báo của mình phát đi ngày 19-9, ông Pompeo nhấn mạnh rằng Mỹ “sẽ làm tất cả những gì cần thiết để các biện pháp trừng phạt được áp dụng và tuân thủ”.

Ông cũng nêu cảnh báo nhắm đến Trung Quốc và Nga: “Chúng tôi sẽ ngăn chặn Iran có được xe tăng của Trung Quốc và các hệ thống phòng không của Nga. Chúng tôi trông chờ mỗi quốc gia tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ”.

Ông không quên cảnh báo Mỹ sẽ công bố các biện pháp trừng phạt của mình trong những ngày tới với “những ai vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ”.

Dư luận cho rằng trong bối cảnh chỉ còn sáu tuần nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể công bố các biện pháp trừng phạt trong bài phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ vào ngày thứ ba (22-9).

Thậm chí ông Richard Gowan, thuộc Tổ chức phòng ngừa xung đột International Crisis Group, lo ngại ông Trump muốn “tạo ra bất ngờ” tại trụ sở LHQ “khi công bố trừng phạt tài chính” để thể hiện “sự bất bình của mình”.

Tuy nhiên, theo Hãng tin AFP, hiện Washington đang bị cô lập trong vấn đề này khi toàn bộ các nước lớn khác, đặc biệt là những đồng minh châu Âu, khẳng định các biện pháp trừng phạt chưa được áp đặt trở lại và hành động của Mỹ không có hiệu lực pháp lý.

Trong một lá thư chung của Pháp, Anh và Đức gửi lên Ban chủ tịch HĐBA LHQ mà Hãng tin AFP có được một bản sao, có câu thể hiện quyết tâm của nhóm đồng minh Mỹ: “Mọi quyết định hoặc biện pháp trong ý định tái lập các biện pháp trừng phạt sẽ không có hiệu lực pháp lý nào”.

Phản hồi tuyên bố của Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif kêu gọi: “Cộng đồng thế giới nên phản đối việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt để áp đặt ý muốn của họ như một kẻ bắt nạt, hoặc sẽ phải chịu số phận tương tự như Iran trong tương lai”.

Ông nói thêm: “Chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục hành động như một kẻ bắt nạt nếu họ được phép làm điều đó một lần nữa với các quốc gia khác”.

Ngày 20-9, ông Josep Borrell – Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, đã bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc nối lại các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm vào Iran.

Ông Borrell cho biết Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, do đó Washington “không thể khởi xướng quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt theo nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ”. Ông Borrell cũng cho biết các cam kết về dỡ bỏ trừng phạt trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA, hay thỏa thuận hạt nhân Iran), tiếp tục được áp dụng.

Chỉ là “đòn gió”?

Dĩ nhiên các quốc gia thành viên LHQ đều đang chờ xem các động thái tiếp theo của Mỹ là gì. Không ít người cho rằng các tuyên bố trên là “đòn gió” theo kiểu Mỹ muốn tuyên bố gì thì cứ tuyên bố, các nước khác không nghe theo. Một nhà ngoại giao ở LHQ nói với Hãng tin AFP: “Sẽ chẳng có gì xảy ra đâu. Nó giống như người ta bóp cò súng nhưng đạn chẳng bay ra”.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, trong một văn bản ngày 19-9, cũng tuyên bố chưa đưa ra hành động nào về các biện pháp trừng phạt đối với Iran do “có sự không chắc chắn” liên quan đến vấn đề trên.

“Tôi không chắc chắn là yêu cầu và cơ chế mà Mỹ kích hoạt có thực sự được thực hiện hay không. Tôi cũng không biết liệu việc chấm dứt các lệnh trừng phạt Iran sẽ tiếp tục có hiệu lực hay không” – ông Guterres viết trong một bức thư gửi HĐBA.

Theo Hãng tin Reuters, ông Guterres đã chỉ định các quan chức HĐBA LHQ phù hợp để giám sát vấn đề này. Ông cũng khẳng định rằng khi đề xuất của Mỹ vẫn còn “đang chờ để làm rõ” thì ông sẽ không chấp thuận hay tiến hành bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Hồi giữa tháng 8 vừa qua, HĐBA LHQ đã một lần bác bỏ dự thảo đề xuất của Mỹ nhằm gia hạn lệnh cấm bán vũ khí cho Iran, vốn hết hiệu lực vào ngày 18-10 tới. Đây được xem là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Mỹ, khi các đồng minh cật ruột ở châu Âu “chọn cách đứng về phía các giáo chủ đang nắm quyền ở Iran” (theo cách dùng từ của ông Pompeo).

Thế là vào ngày 20-8, ông Pompeo đã tới trụ sở LHQ để chính thức kích hoạt snapback (quy trình đảo ngược) nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran. Giải thích về quyết định này, chính quyền của ông Trump cho rằng nguyên nhân chính là do Iran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran cùng Nhóm P5+1 ký năm 2015.

Tuy nhiên, vấn đề là đến nay đa số thành viên HĐBA LHQ không công nhận Mỹ có quyền kích hoạt cơ chế snapback, sau khi chính quyền của ông Donald Trump đơn phương rút khỏi JCPOA từ năm 2018.

Có thể thấy qua tuyên bố của phía Nga: ngay sau thông báo của ông Pompeo, ông Dmitry Polyanskiy – phó đại sứ Nga tại LHQ – đã viết trên Twitter: “Từ tháng 8, tất cả chúng ta đã nói rõ ràng rằng các tuyên bố của Mỹ về kích hoạt cơ chế snapback là bất hợp pháp. Washington có bị điếc không vậy?”.

Snapback là một cơ chế trong JCPOA, cho phép bất kỳ nước nào trong Nhóm P5+1 tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran có quyền đề xuất tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran nếu như phát hiện quốc gia Hồi giáo này vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận.

Ý NGUYÊN
TTO